Đổi mới toàn diện, thực chất hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh

Các trường đại học, cao đẳng đảm nhận giảng dạy kiến thức cơ bản về quốc phòng, an ninh, trong khi các cơ sở của quân đội đảm nhận truyền đạt kiến thức chuyên sâu, thực hành quân sự.
Đổi mới toàn diện, thực chất hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh ảnh 1Hội thao Giáo dục Quốc phòng-An ninh học sinh THPT năm 2022 tại Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Ngày 6/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch).

Giải quyết bài toán tập trung và phân tán

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ quy hoạch có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh, các chiến lược liên quan cũng như chương trình giáo dục-đào tạo, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ động bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo quy hoạch phải thu thập, đánh giá đầy đủ hiện trạng của các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh (các trường quân đội, đại học, cao đẳng nghề nghiệp) về cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động, chất lượng giảng dạy so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Các quan điểm trong quy hoạch phải bám sát, đáp ứng yêu cầu trong Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh; phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, sự phát triển khoa học công nghệ. Từ đó, đổi mới toàn diện, đồng bộ, thực chất hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh; tận dụng thành tựu công nghệ hiện đại, chuyển đổi số.

[Lập hội đồng thẩm định quy hoạch trung tâm giáo dục quốc phòng-an ninh]

Hoạt động triển khai quy hoạch phải dựa vào hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương; giải quyết bài toán tập trung và phân tán giữa các Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh của quân đội và các trường đại học, cao đẳng.

“Các trường đại học, cao đẳng đảm nhận giảng dạy kiến thức cơ bản về quốc phòng, an ninh, trong khi các cơ sở của quân đội đảm nhận truyền đạt kiến thức chuyên sâu, thực hành quân sự, kết hợp tổ chức các buổi học trực tuyến do chuyên gia, giảng viên quân sự có kinh nghiệm giảng dạy. Quy hoạch phải gắn với giáo dục đại học, xây dựng cơ sở vật chất của các trường đại học, phát triển đội ngũ giảng viên,” Phó Thủ tướng gợi mở.

Quy hoạch cần có định hướng về chương trình, nội dung, phương pháp, giáo trình, mục tiêu; từ đó nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của khâu tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đề ra hướng tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật; hình thành cơ chế phối hợp giữa các trung tâm của quân đội và trường đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng chương trình khung về giáo dục quốc phòng, an ninh thiết thực, phù hợp với các đối tượng khác nhau theo Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh; có bộ tiêu chí cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ quản lý, giảng viên của các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh…

Phổ cập kiến thức quốc phòng, an ninh toàn dân

Theo báo cáo của Cục Dân quân Tự vệ (Bộ Quốc phòng), quy hoạch nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển hệ thống Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Hệ thống Trung tâm) theo hướng đồng bộ, hiện đại, toàn diện; nâng cao chất lượng dạy, học môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Đổi mới toàn diện, thực chất hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh ảnh 2Chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 9 diễu hành tại lễ khai mạc Hội thao Giáo dục Quốc phòng và An ninh toàn quốc lần thứ III năm 2022. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Dự kiến, đến năm 2030, ngoài 38 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hiện có, sẽ thành lập thêm 8 trung tâm mới, bảo đảm 100% sinh viên các trường cao đẳng, đại học được học tập, ăn ở, sinh hoạt tập trung để rèn luyện theo nếp sống quân sự, môi trường quân đội.

Đáng chú ý, quy hoạch đặt mục tiêu nâng cao chất lượng chuẩn hóa trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Mục tiêu đến năm 2030 có 100% cán bộ quản lý trình độ đại học trở lên, trong đó có 30% trình độ thạc sỹ, 5% trình độ tiến sỹ; 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên; trong đó, 35% có trình độ thạc sỹ, 5% có trình độ tiến sỹ chuyên ngành.

Tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống trung tâm được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh; tiếp tục nâng cấp hoặc bổ sung quy hoạch thành lập trung tâm mới đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết Hệ thống Trung tâm được quy hoạch trên định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng cũng như quy mô sinh viên.

Mục tiêu của quy hoạch là phổ cập kiến thức quốc phòng, an ninh toàn dân, trọng tâm là đối tượng sinh viên trên cơ sở Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Tại phiên họp, các ủy viên phản biện, thành viên Hội đồng Thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch.

Một số ý kiến đề xuất, quy hoạch cần bổ sung, thống kê các trung tâm chưa bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; đánh giá thực trạng đào tạo giáo dục quốc phòng, an ninh của những cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Đổi mới hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với chuyển đổi số, xây dựng thông tin liên kết đào tạo tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, đơn vị chủ trì xây dựng quy hoạch cần bổ sung phân tích, đánh giá, dự báo số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tham gia học tập an ninh, quốc phòng trong thời gian tới; dự báo nhu cầu sử dụng đất phát triển Hệ thống Trung tâm Phù hợp với từng vùng kinh tế-xã hội; có phương án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục