Đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng không chỉ là những yêu cầu bắt buộc, mà còn là những cơ hội cho các công ty dầu khí tồn tại và phát triển trong môi trường thay đổi và đầy thách thức ngày nay.
Đây là tham luận được ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đưa ra tại Triển lãm Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh mới đây.
Áp lực để giảm thiểu tác động môi trường
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã hình thành nên một thời đại số, với nền kinh tế số và xã hội số. Khoa học-công nghệ phát triển, hành vi khách hàng thay đổi liên tục và thời gian phát sinh nhu cầu mới ngày một ngắn lại, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19, khiến cho việc cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp đứng trước thách thức, nhiệm vụ tìm ra chiến lược đột phá, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo để chiếm lĩnh thị trường và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới.
Dẫn thêm ví dụ, theo ông Lê Ngọc Sơn, Nhà kinh tế học Clayton Christensen - Tư tưởng gia Quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây, đã viết về sự thất bại của các công ty hàng đầu trong một số ngành công nghiệp, mặc dù đã làm tốt công tác quản trị nhưng vẫn đánh mất vị thế dẫn đầu thị trường khi phải đối mặt với các thay đổi mang tính đột phá trong kinh doanh.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn kinh tế hàng đầu, được ra đời từ niềm tin và khát vọng “đổi mới sáng tạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong chuyến thăm chính thức khu công nghiệp Ba Cu thuộc Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-Viết vào ngày 23/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí hiện đại để góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.
[Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam 48 năm phát triển cùng đất nước]
Từ ý nguyện của Người, qua sáu thập kỷ hình thành và phát triển, với sự đổi mới sáng tạo không ngừng, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi từ “không đến có,” làm chủ được những công nghệ tiên tiến nhất, đạt được những thành tựu vượt bậc, điển hình như việc phát hiện và khai thác thành công thân dầu từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác và khoa học-công nghệ dầu khí thế giới.
Tại thời điểm hiện nay, PetroVietnam đã xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín với 5 lĩnh vực hoạt động: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của PetroVietnam là 954.000 tỷ đồng (tương đương 40,6 tỷ USD), nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất là 531.000 tỷ đồng (tương đương 22,6 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9,5% tổng thu cả nước.
Tuy nhiên, thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu do tác động tiêu cực của việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế năm 2023, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 4% so với năm 2019, nhưng năng lượng hóa thạch chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu, trong khi năng lượng tái tạo và hạt nhân sẽ chiếm 45%. Theo ông Lê Ngọc Sơn, các công ty dầu khí sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nguồn cung, sự giảm giá dầu mỏ và sự gia tăng áp lực để giảm thiểu tác động môi trường.
"Trong bối cảnh đó, các công ty dầu khí trên thế giới đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng và phát triển bền vững, đó là tập trung vào hai giải pháp chính là đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng," Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam nói.
Tập trung cho mục tiêu phát triển bền vững
Hiện nay, các công ty dầu khí lớn như: BP, Shell, Total, ExxonMobil, Chevron và Saudi Aramco đã cam kết giảm thải khí nhà kính từ 30% đến 50% vào năm 2050, tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon. Các công ty này cũng đẩy mạnh đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, đối với các công ty dầu khí quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, có thể không có đủ nguồn lực, năng lực, và cơ hội như các công ty quốc tế, thì phải làm thế nào để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường thay đổi và thách thức này?
Theo ông Lê Ngọc Sơn, một số ví dụ thành công điển hình đó chính là: Petrobras, Công ty Dầu khí Quốc doanh của Brazil, tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác dầu khí, đã đầu tư nghiên cứu vào công nghệ tiên tiến, khai thác dầu ở vùng biển sâu và siêu sâu, đồng thời cũng đa dạng hóa danh mục năng lượng với khí tự nhiên, nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo với mục tiêu giảm khí nhà kính 25% vào năm 2030.
Trong khi đó, Equinor - Công ty Dầu khí Quốc doanh của Na Uy, đã đón nhận sự chuyển dịch năng lượng và đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, đặt ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, biến đổi bản thân từ một nhà sản xuất dầu khí khu vực thành một nhà cung cấp năng lượng toàn cầu.
Từ những ví dụ này, ông Sơn nhấn mạnh, đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng không chỉ là khả thi, mà còn có lợi cho các công ty dầu khí quốc gia. Tuy nhiên, lại không hề dễ dàng thực hiện, đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực cũng như đầu tư.
Cụ thể, với mục tiêu gắn liền với mục tiêu chung của quốc gia, PetroVietnam phấn đấu tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; Năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ m3 năm 2030 và 15 tỷ m3 năm 2045…
Để thực hiện được các mục tiêu này, PetroVietnam đã và đang xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, trong đó chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng, với một số nhiệm vụ, giải pháp chính như: Tăng cường triển khai công tác thăm dò khai thác và phát triển mỏ nhằm tận dụng được lợi thế về thời gian để tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch.
Cùng đó là tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển liên kết bền vững, kết nối các lĩnh vực/đơn vị thành viên, tận dụng thế mạnh về năng lực, công nghệ và hạ tầng của PetroVietnam và các đơn vị thành viên để triển khai một cách hiệu quả các dự án chuyển dịch năng lượng, đem lại hiệu quả cho cả chuỗi, nâng cao nội lực PetroVietnam, phục vụ phát triển ngành năng lượng.
Ông Lê Ngọc Sơn cho hay, PetroVietnam định hướng sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sự phát triển về công nghệ và ứng dụng thực tiễn của các dạng năng lượng mới/ năng lượng sạch, áp dụng chuyển đổi số trong quy trình sản xuất để cải thiện hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải môi trường.
Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh thông qua đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch như: phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi, phát triển nhiên liệu sạch hydro/ammonia, phát triển công nghệ thu hồi, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng carbon; Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, nắm bắt được xu thế chuyển dịch năng lượng, có chuyên môn, có khả năng dẫn dắt, định hướng, triển khai các dự án về chuyển dịch năng lượng.
Ngoài một số giải pháp như đã đề cập, PetroVietnam cũng đã và đang tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị và quản lý doanh nghiệp, quản trị biến động, quản trị rủi ro, đảm bảo hoàn thành kế hoạch dài hạn gắn liền với mục tiêu và cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
"Với tầm nhìn, chiến lược dài hạn, cùng với các gói giải pháp, PetroVietnam có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước," ông Lê Ngọc Sơn nói./.