Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động hệ thống chính trị

Trưởng ban Tổ chức TW lưu ý quá trình đổi mới các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị cần quan tâm đến các yếu tố về tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động hệ thống chính trị ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thực hiện chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, ngày 30/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung ương 6 tổ chức phiên họp lần thứ tư để lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện các văn bản trước khi báo cáo Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì phiên họp.

Qua một năm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Ban Chỉ đạo đề án đã hướng dẫn các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Hội nghị Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị (Nghị quyết 15), tổ chức 5 đoàn khảo sát tại 27 địa phương, cơ quan, đơn vị; tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc gia, 5 tọa đàm; xây dựng các văn bản dự thảo và xin ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quá trình tổng kết từ cơ sở cho thấy qua 15 năm thực hiện, những nội dung về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo Nghị quyết 15 đã cơ bản hoàn thành.

[Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là yêu cầu thực tiễn]

Đồng thời, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, nhất là Cương lĩnh (sửa đổi, bổ sung năm 2011), các nghị quyết Đại hội Đảng và nhiều văn bản quan trọng khác, đặt ra những yêu cầu về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục kế thừa, phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung ương 6 xác định cần thiết phải ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 15 để phù hợp giai đoạn phát triển mới.  

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị bằng Cương lĩnh, chiến lược, chủ trương, chính sách lớn và thể chế thành chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, vận động; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới phong cách, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng, góp phần cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo động lực cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao trách nhiệm, tinh thần làm việc nghiêm túc, đồng thời ghi nhận, cảm ơn những ý kiến đóng góp xác đáng của các thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, quá trình triển khai thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo ngày càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, bao quát của phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua các tổ chức Đảng và đảng viên.

Quá trình đổi mới các phương thức cần đảm bảo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đồng thời phải được cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện trong từng cấp ủy đảng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị.

Khẳng định công tác cán bộ là khâu then chốt, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng lưu ý quá trình đổi mới các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị cần quan tâm đến các yếu tố về tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả; vấn đề đảm bảo đường lối, quan điểm của Đảng thông suốt; công tác kiểm tra, giám sát; phân cấp, phân quyền.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục