Ngày 2/12, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo về đề án đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, một số chính sách y tế và công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo các Thành ủy, Tỉnh ủy, các Quận ủy, Huyện ủy và lãnh đạo Sở Y tế của 17 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế đã thông tin đến các đại biểu những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế và điều chỉnh giá dịch vụ y tế; phổ biến các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; y đức với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Quốc Trung nhấn mạnh: Nghề Y là một nghề đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, có vị trí, vai trò và ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội.
Vì vậy, việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức của nghề y đã vượt qua giới hạn quy định của một ngành nghề, đó là lương tri, trách nhiệm trước sinh mệnh con người, là mẫu hình trong việc xây dựng đạo đức xã hội. Điều đó đòi hỏi người thầy thuốc phải thực sự "vừa hồng, vừa chuyên."
Tuy nhiên, khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nhu cầu khám chữa bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tăng cao, kinh phí dành cho ngành y tế có hạn, đời sống cán bộ y tế quá khó khăn, cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế còn thiếu thốn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Vì vậy, không khỏi có những tiêu cực, vi phạm đạo đức ngành y của một số ít cán bộ y tế, đòi hỏi chúng ta phải luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện để giảm bớt những tiêu cực làm ảnh hưởng đến thanh danh của người thầy thuốc.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế Phạm Thanh Bình cho biết, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều đề án, chính sách y tế mới nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách của cán bộ y tế, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. Qua đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2015 có tổng số 8.441 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ qua tổng đài 1900-9095; trong đó có 3.159 cuộc gọi (37,4%) phản ánh đúng phạm vi tiếp nhận, 5.282 cuộc gọi (62,6%) không đúng phạm vi giải đáp. Đặc biệt, đường dây nóng không chỉ là nơi người dân phản ánh những bức xúc mà còn là địa chỉ để người dân gửi lời cảm ơn tới các tập thể, cá nhân, nhân viên y tế đã luôn phục vụ tận tình, không quản ngại khó khăn, hết lòng vì người bệnh.
Trên cơ sở rà soát 3.159 cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận của người dân phản ánh đến đường dây nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương và sở y tế các tỉnh, thành phố xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc. Theo đó, ngành y tế đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm 2.092 trường hợp, xử lý kỷ luật 62 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp, cải thiện cơ sở vật chất 188 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 330 trường hợp, khen thưởng 79 trường hợp.
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cũng cho thấy, số lượng cuộc gọi đến các địa phương trong nhóm 10 tỉnh, thành phố nhận được nhiều ý kiến phản ánh nhất trong năm 2014 đến nửa đầu năm 2015 có chiều hướng giảm. Qua kiểm tra, tỉnh Vĩnh Phúc có 144 cuộc gọi trong năm 2014, nay giảm còn 44 cuộc; tỉnh Thanh Hóa giảm từ 206 cuộc gọi (năm 2014) xuống còn 115 cuộc gọi (năm 2015)...
Tại hội thảo, Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cũng thông tin đến các đại biểu về những tác hại của thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với hơn 15 triệu người. Ước tính chi phí mua thuốc lá của người Việt Nam lên tới 22.000 tỷ đồng mỗi năm.
Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khoảng 40.000 người tử vong tại Việt Nam hàng năm, con số này đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70.000 người.
Thời gian tới, ngành y tế cần đẩy mạnh việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá đến cộng đồng, nhất là trong các cơ sở y tế nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá; xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp không có khói thuốc lá.../.