Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước đã thành lập được 11.956 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư cho Bộ phận Một cửa, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm thời gian chờ đợi của người dân.
Đổi mới mô hình, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại
Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thành lập 867 Bộ phận Một cửa; địa phương đã thành lập 11.089 Bộ phận Một cửa, trong đó, tại cấp tỉnh có 58/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính Công cấp tỉnh, tại cấp huyện có 754 Bộ phận Một cửa, tại cấp xã có 10.277 Bộ phận Một cửa được thành lập tại Ủy ban Nhân dân cấp xã.
Có 5 địa phương chưa thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính Công, gồm: Đà Nẵng vẫn duy trì 31 Bộ phận Một cửa của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố (19 Bộ phận Một cửa tại các sở, ngành và 12 Bộ phận Một cửa tại các đơn vị trực thuộc sở, ngành) và 4 địa phương vẫn duy trì mô hình Bộ phận Một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên.
Điểm đáng chú ý là Bộ phận Một cửa của nhiều bộ, ngành, địa phương đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp và chủ động đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng hoạt động.
Các Bộ Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 20 địa phương đã tổ chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại nhà hoặc hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu.
Bộ Quốc phòng và 15 địa phương đã bố trí quầy tiếp nhận hồ sơ dành riêng cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người có công với cách mạng.
Hai bộ, 11 địa phương đã bố trí kiốt thông minh tại Bộ phận Một cửa phục vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả.
Thay đổi thành viên Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, là thành viên Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ thay ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, một số địa phương đã nghiên cứu, triển khai các mô hình mới trong tiếp nhận và trả kết quả giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của Bộ phận Một cửa.
Thí điểm việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình phi địa giới hành chính, Lâm Đồng đã tổ chức Bộ phận Một cửa theo hướng thu gọn đầu mối, đưa Bộ phận Một cửa của Ủy ban Nhân dân phường 4 thành phố Đà Lạt sang Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh từ đầu tháng 9/2022 để tiếp nhận và giải quyết 165 thủ tục hành chính cấp xã trên địa bàn.
Trung tâm Phục vụ Hành chính Công của tỉnh cũng triển khai việc tiếp nhận 12 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Đà Lạt tại đây để giảm áp lực tại Bộ phận Một cửa Ủy ban Nhân dân thành phố.
Tỉnh Yên Bái đã nghiên cứu, tham mưu và xây dựng dự thảo Đề án thí điểm của Ủy ban Nhân dân tỉnh về sắp xếp, ghép Bộ phận Phục vụ Hành chính Công thành phố Yên Bái và Ủy ban Nhân dân phường Đồng Tâm vào Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh; ghép Bộ phận Phục vụ Hành chính Công phường Tân An vào Bộ phận Phục vụ Hành chính Công thị xã Nghĩa Lộ; ghép Bộ phận Phục vụ Hành chính Công thị trấn Mậu A vào Bộ phận Phục vụ Hành chính Công huyện Văn Yên và thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Tỉnh Hà Giang thực hiện thí điểm việc tổ chức Bộ phận Một cửa theo hướng thu gọn đầu mối, đưa Bộ phận Một cửa Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) vào hoạt động tại Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh, đưa Bộ phận Một cửa Ủy ban Nhân dân phường Trần Phú, Ủy ban Nhân dân phường Minh Khai vào hoạt động tại Bộ phận Một cửa thành phố Hà Giang để tiếp nhận và giải quyết 151 thủ tục hành chính cấp xã trên địa bàn. Theo đó, các mô hình trên đã tiết kiệm chi phí đầu tư trụ sở, xây dựng, duy trì hệ thống công nghệ thông tin tại Bộ phận Một cửa.
Nhiều năm qua, Hà Nội giữ vững vị trí top 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR INDEX).
Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được kết quả này là Bộ phận Một cửa các cấp được quan tâm đầu tư ngày càng hiện đại, chuẩn hóa, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Triển khai Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội,” các quận, huyện đã sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung, thực hiện mô hình Bộ phận Một cửa “xanh-sạch-đẹp,” lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Hiện nay, tất cả Bộ phận Một cửa của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đều được đầu tư khang trang, hiện đại.
Toàn bộ thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế “một cửa,” “một cửa liên thông,” không còn tiếp nhận hồ sơ ở phòng chuyên môn, tránh nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thành phố Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện đề án đổi mới Bộ phận Một cửa, trong đó có nội dung tổ chức Bộ phận Một cửa theo khu vực.
Nhiều cách làm sáng tạo
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm thời gian chờ đợi của người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.
Điển hình như Cà Mau đã tổ chức chiến dịch 69 ngày đêm triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa.
Kéo dài từ ngày 1/3-9/5, chiến dịch thể hiện sự quyết tâm đổi mới trong quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến trên địa bàn, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Thị Kim Chung cho biết chiến dịch đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Trong 3 chỉ tiêu đề ra, chỉ tiêu đạt cao nhất là tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến cấp tỉnh (92,79%); tiếp đến là tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh (92,28%) và tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp xã (90,14%).
Tại thời điểm phát động chiến dịch, tỷ lệ thanh toán trực tuyến chỉ ở mức dưới 1%, mục tiêu đặt ra sau chiến dịch phải đạt 30% và đây được xác định là một trong những chỉ tiêu khó, tuy nhiên, khi kết thúc chiến dịch chỉ tiêu này lại tăng cao nhất.
Hà Nội luôn là một trong những địa phương có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Tại huyện Phú Xuyên, mô hình "3 tại nhà" (kê khai hồ sơ tại nhà, tiếp nhận hồ sơ tại nhà, trả kết quả tại nhà); thủ tục hành chính trả kết quả ngay; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt... được triển khai mạnh đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, cơ quan, nâng tỷ lệ hài lòng của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính đạt gần 100%.
Năm 2023, huyện mở rộng mô hình "3 tại nhà" áp dụng với thủ tục hành chính lĩnh vực người có công và triển khai tại toàn bộ 27 Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn.
Cán bộ, công chức Bộ phận Một cửa đã hướng dẫn kê khai hồ sơ tại nhà, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà cho 211 lượt người có công, trong đó, 179 trường hợp đã được giải quyết và có quyết định hưởng chính sách.
Mô hình giúp tiết kiệm được hơn 232 triệu đồng chi phí và hơn 1.266 giờ đi lại cho người dân trong năm 2023.
Với việc Ủy ban Nhân dân huyện và các xã, thị trấn thành lập “Bộ phận làm ngay” trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đổi, cấp lại giấy xác nhận khuyết tật; đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn; trích lục hộ tịch; xác nhận tình trạng hôn nhân; cấp bản sao từ bản chính; chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, quyền sử đất, nhà ở, năm 2023, đã có trên 15.000 lượt công dân được hỗ trợ thực hiện thủ tục, giúp tiết kiệm hơn 1,4 tỷ đồng chi phí và hơn 74.133 giờ đi lại cho người dân.
Một kết quả nổi bật được Văn phòng Chính phủ đánh giá trong đổi mới thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, đó là việc thực hiện thuê dịch vụ bưu chính công ích giúp tăng năng suất lao động, giảm nhân lực, tiết kiệm chi phí.
Chẳng hạn như Lâm Đồng, nhân sự Trung tâm Phục vụ hành chính công đã giảm 40 người (từ 54 cán bộ công chức khi thuê dịch vụ bưu chính công ích chỉ còn 14 nhân viên), cấp huyện giảm từ 4-5 công chức/Bộ phận Một cửa cấp huyện.
Tỉnh Đồng Tháp tiết kiệm ngân sách hàng tháng cho Bộ phận Một cửa các cấp khoảng 250 triệu đồng/tháng...
Còn hạn chế, tồn tại
Thực tế cho thấy dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp nói chung, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa tại các bộ, ngành, địa phương nói riêng, song, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đổi mới Bộ phận Một cửa phù hợp với điều kiện thực tế.
Nhìn chung, năng suất lao động trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chưa được cải thiện, thậm chí có nơi do tình trạng làm thay, làm hộ dịch vụ công trực tuyến cho người dân dẫn đến quá tải, tăng thời gian chờ đợi, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, giảm mức độ hài lòng.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ), một số mô hình đổi mới trong thực hiện tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính có kết quả thí điểm hiệu quả, khả quan nhưng chậm được tổng kết, nhân rộng.
Việc triển khai cơ chế chuyển giao doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện một hoặc một số công việc trong hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính còn gặp vướng mắc do thiếu các quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật phục vụ cho việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai đề án...
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa chưa đồng bộ, đầy đủ để khuyến khích, động viên kịp thời đối với đội ngũ này./.