“Chiến lược phát triển giáo dục và kế hoạch đã rõ ràng, vấn đề là hành động. Phải quan tâm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thu hút sinh viên giỏi, cùng với đó là nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nói. Ý kiến của ông Minh cũng là khẳng định của hầu hết lãnh đạo ngành giáo dục tại các tỉnh, thành và các trường đại học, cao đẳng tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 23/1. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) việc Bộ quyết tâm rà soát lại các yếu kém để chấn chỉnh, xây dựng các trường đẳng cấp… là hướng đi đúng. Tuy nhiên, theo ông Sơn, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên của tất cả các cơ sở giáo dục, vì đó là lực lượng nòng cốt để thực hiện đổi mới giáo dục. “Cần xây dựng chiến lược thu hút nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho ngành giáo dục. Hiện nay các ngành đang cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút nhân tài, ngành giáo dục muốn có nhân tài cũng phải có chiến lược, cơ chế đặc biệt để thu hút nhân lực cho ngành, qua đó thu hút đầu tư của xã hội”, ông Sơn nói. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định. Theo vị lãnh đạo Sở này, phải “có bột mới gột nên hồ”, có thầy giỏi mới có trò giỏi, không có thầy giỏi thì chất lượng giáo dục không thể chuyển biến. "Nhưng hiện nay chất lượng đầu vào của ngành sư phạm rất thấp, nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn. Các trường sư phạm không thể biến một học sinh trung bình thành một học sinh giỏi sau 4 năm đào tạo trên giảng đường. Vì thế, ngành giáo dục cần kiến nghị Chính phủ phải có cơ chế thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm," ông Tuấn nhấn mạnh. Đặt ra vấn đề cụ thể hơn, ông Phạm Minh Hùng, Phó Giám đốc Đại học Vinh cho rằng muốn giải quyết vấn đề chất lượng giáo viên, thu hút được học sinh giỏi vào trường sư phạm thì Bộ phải làm cách nào nào giải quyết được việc làm sau tốt nghiệp. Đồng quan điểm này, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng việc đào tạo giáo viên hiện nay không theo quy hoạch, chỗ thừa, chỗ thiếu, sinh viên ra trường nhiều người thất nghiệp. Bên cạnh việc lo ngại chất lượng giáo viên đứng lớp thấp, các trường, sở giáo dục đào tạo cũng kiến nghị Bộ cần có chế độ chính sách thỏa đáng hơn cho cán bộ quản lý giáo dục. Khi được điều động lên làm quản lý, giáo viên không mấy mặn mà vì thu nhập sẽ thấp hơn do không còn phụ cấp đứng lớp. “Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên là then chốt và đột phá. Khi giáo viên chưa yên tâm công tác thì khi đó giáo dục chưa thể là quốc sách hàng đầu,” ông Phạm Minh Hùng nói. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, trước hết phải coi trọng khoa học sư phạm, đây là tiền đề của đổi mới chương trình giáo dục. Trước những lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, để giải bài toán giáo viên, Bộ đã có chương trình phát triển giáo viên và trường sư phạm, quy hoạch lại, đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Trước mắt, Bộ sẽ đầu tư vào các trường sư phạm trọng điểm, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy đó làm tiền đề cho việc nhân rộng trong hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra hàng loạt khó khăn từ cơ sở vật chất đến bất cập trong phân cấp quản lý, vấn đề như đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, vấn đề phân luồng học sinh sau bậc trung học phổ thông, phân tầng và quy hoạch mạng lưới các trường đại học, vấn đề phân bổ kinh phí… Có thể nói, việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 cũng như Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành giáo dục đã và đang triển khai từng bước, từng vấn đề và có trọng điểm trên cơ sở kết hợp với các bộ, ngành hữu quan đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét các vấn đề vượt quá thẩm quyền của ngành.
Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 được chia làm hai giai đoạn, từ năm 2011 đến 2015 và từ năm 2016 đến 2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của mỗi người học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập, phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. |
Phạm Mai (Vietnam+)