Đổi mới giáo dục: Thách thức từ sự bảo thủ của giáo viên

Theo giáo sư Mike Horsley, một trong những rào cản cho đổi mới giáo dục là sự bảo thủ mang tính bản chất nghề nghiệp của giáo viên.

Làm thế nào để vượt qua rào cản là tính bảo thủ của giáo viên khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa là vấn đề được đưa ra thảo luận sôi nổi tại Hội thảo quốc tế Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa theo hướng bền vững.

Hội thảo do Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức sáng nay, ngày 30/10, tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của rất nhiều chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước.

Sức ỳ bản chất

Là người trình bày tham luận đầu tiên, giáo sư, tiến sỹ  Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về sách giáo khoa và phương tiện giáo dục (IARTEM), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục dạy-học, Đại học Central Queensland, Australia cho rằng khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì một trong các yếu tố quan trọng cần cân nhắc là tính bảo thủ của giáo viên.

Với kinh nghiệm 10 năm dạy học ở các trường phổ thông, 10 năm làm giảng viên ở một trường đại học sư phạm, từng có 40 năm tham gia vào việc viết sách giáo khoa, từng lập viện nghiên cứu về sách giáo khoa, tham gia làm quản lý ở nhà xuất bản tài liệu giáo dục, giáo sư Mike Horsley nhận định: “Về bản chất, việc giảng dạy chứa đựng yếu tố bảo thủ.”

Giáo sư Mike cho biết, trong thực tế, phương pháp giảng dạy tương đối khó thay đổi. Một số khía cạnh trong phương pháp giảng dạy chuyên môn của giáo viên có xu hướng khiến cho họ có phần bảo thủ hơn và phản đối việc thay đổi giáo trình và sách giáo khoa cũng như tài liệu dạy học.

[Đổi mới giáo dục: Cần cơ chế đặc thù cho giáo viên]

Ý kiến của giáo sư Mike đã ngay lập tức nhận được nhiều chia sẻ từ phía các nhà giáo dục Việt Nam và chiếm phần lớn thời gian thảo luận.

Ông Nguyễn Huy Đoàn (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nguyên Chủ biên bộ sách Đại số nâng cao từ lớp 10 đến lớp 12) nói: “Ý kiến cho rằng các giáo viên vẫn còn bảo thủ trong phương pháp dạy hoàn toàn chính xác. Tôi cho rằng ở Việt nam, tính bảo thủ của giáo viên còn rất nặng nề. Nội dung và phương pháp dạy mới nhưng nhiều giáo viên lại mang giáo án cũ ra để dạy.”

Đây cũng là lo lắng của giáo sư Đinh Quang Báo, thường trực ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới sau năm 2015. Theo giáo sư Báo, để thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy đã ăn sâu trong giáo viên hàng chục năm qua là rất khó và đòi hỏi phải có cả một quá trình. Tuy khó, nhưng vẫn phải nỗ lực thực hiện vì nếu không thay đổi được giáo viên thì đổi mới giáo dục không mang lại hiệu quả mong đợi.

Cũng theo giáo sư Đinh Quang Báo, sự bảo thủ không chỉ ở giáo viên mà ở ngay những nhà biên soạn sách giáo khoa và đây thực sự là một thách thức lớn.

Ảnh minh họa (Quý Trung/TTXVN)
 

Cần thay đổi tư duy

Sự bảo thủ, thói quen truyền thống của giáo viên là một rào cản lớn trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra.

Trả lời câu hỏi này, giáo sư Mike cho rằng để khắc phục sự bảo thủ vốn có, các tài liệu dành cho giáo viên phải cụ thể, đa dạng và điều quan trọng là học cần được trao đổi nhiều hơn với các tác giả viết sách giáo khoa mới.

“Giáo viên phải hiểu được chương trình mới, cấu trúc của chương trình sách giáo khoa, nếu họ không hiểu thì làm sao có thể thay đổi được,” giáo sư Mike Horsley nói.

Tuy nhiên, giáo sư Mike cũng thành thật chia sẻ: "Kinh nghiệm của tôi cho thấy việc này đòi hỏi cả quá trình và không phải lúc nào cũng thành công."

[Thi tốt nghiệp THPT 2 môn, bỏ thi đại học "ba chung"]

Cùng về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Đoàn cho rằng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải đồng bộ với đổi mới giáo viên và thi cử.

“Việc thi cử nặng về ghi nhớ kiến thức cũng khiến giáo viên khó đổi mới phương pháp dạy học. Vì thế, việc đổi mới phải đồng bộ cả chương trình, phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá,” ông Đoàn chia sẻ.

Đồng tình với việc phải đổi mới đồng bộ, tuy nhiên, giáo sư Mike lại có cái nhìn khác về vấn đề này. “Tôi nghĩ trong tư duy của học sinh, giáo viên cũng phải thay đổi. Giáo viên muốn học sinh vượt qua kỳ thi hay có tư duy năng động.

Trong tương lai, học sinh phải độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên và sách giáo khoa. Mong muốn của người học là gì, học cho tương lai của họ hay cho mục tiêu trước mắt là vượt qua kỳ thi?”

Ý kiến này của giáo sư Mike nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Các đại biểu đồng tình với việc phải thay đổi tư duy giáo dục ở cả người học và giáo viên, tuy nhiên, nếu không vượt qua các kỳ thi thì đó cũng là rào cản lớn để học sinh tiếp tục thực hiện mong ước cho tương lai của họ.

“Vì thế, sự thay đổi tư duy này phải ở tất cả các cấp độ của ngành, từ cơ quan quản lý đến giáo viên để có sự thay đổi đồng bộ thì việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nói chung mới có thể thành công,” một đại biểu nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục