Đổi mới công tác phổ biến pháp luật, bám sát nhu cầu xã hội

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã dần đi vào nền nếp, có chiều sâu, thực chất hơn, đóng góp hiệu quả cho sự ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đổi mới công tác phổ biến pháp luật, bám sát nhu cầu xã hội ảnh 1Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị 32-CT/TW) được đánh giá là “bước ngoặt” trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã dần đi vào nền nếp, có chiều sâu, thực chất hơn, đóng góp hiệu quả cho sự ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhiều chuyển biến tích cực

Với quan điểm “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng,” ngay sau khi Chỉ thị số 32-CT/TW được ban hành, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến Chỉ thị tới cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của bộ, ngành, đoàn thể mình và các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư đã tạo sự chuyển động trong nhận thức, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cả hệ thống chính trị. Sau 15 năm nhìn lại, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực.

[Tiếp tục đưa nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng vào nhà trường]

Cụ thể, tình hình vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2017 có gần 8,4 triệu vụ vi phạm hành chính (giảm 14,6% so với kỳ báo cáo năm 2016); trong đó gần 7,8 triệu đối tượng bị xử phạt, giảm khoảng 20% so với kỳ báo cáo năm 2016). Năm 2018, có hơn 6,62 triệu vụ việc vi phạm hành chính bị phát hiện (giảm 21,1% so với kỳ báo cáo năm 2017); trong đó hơn 6,54 triệu đối tượng bị xử phạt, giảm khoảng 16% so với kỳ báo cáo năm 2017).

Nhờ việc triển khai tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018 đã có 8.805 xã/11.147 đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%.

Đáng chú ý, sau 15 năm, sự đổi mới trong nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật được cán bộ, nhân dân cảm nhận rất rõ ràng. Phổ biến giáo dục pháp luật giờ đây không “nói những gì mình có” mà bám sát nhu cầu xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền.

Đặc biệt, việc tổ chức hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của đất nước cả ở trung ương và địa phương với nhiều điểm nhấn. Điều này đã góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội.

Vẫn còn “vùng trũng”

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng còn những tồn tại, hạn chế, thể hiện ở ngay nhận thức, cách nhìn của một số cấp ủy, người đứng đầu của một số cơ quan, địa phương về vấn đề này. Một số cơ quan, tổ chức chưa xác định công tác phổ biến pháp luật “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị,” thậm chí đây còn bị cho là nhiệm vụ của chính quyền các cấp hoặc của riêng ngành tư pháp.

Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), thực tế vẫn còn “vùng trũng” về pháp luật, còn nhiều người dân “đói” kiến thức, thông tin pháp luật. “Vùng trũng” về pháp luật không chỉ xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay những đô thị lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một bộ phận người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa tích cực, chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật.

"Lâu nay, người dân vẫn coi việc tìm hiểu chính sách pháp luật là trách nhiệm của ngành chức năng, thậm chí còn từ chối khi được mời dự các cuộc phổ biến chính sách hay luật mới ban hành. Điều này cho thấy, người dân vẫn còn 'thụ động' trong việc trang bị những kiến thức về pháp luật, chính sách cho mình,” ông Lê Vệ Quốc đánh giá.

Ngoài ra, nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành mặc dù đã được củng cố, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới. Cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác này chưa thực sự phù hợp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn…

Tận dụng Internet và mạng xã hội

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc đẩy mạnh tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành nếp sống theo Hiến pháp, pháp luật là khâu rất quan trọng, đặc biệt là phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì thế, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là yêu cầu mang tính tất yếu khách quan, nhằm xây dựng một xã hội đề cao các giá trị của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tinh thần dân chủ, pháp quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ, đổi mới giáo dục pháp luật phải dựa trên nguyên lý lý luận gắn liền với thực tiễn, thực hành, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội; chú trọng đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới của internet, mạng xã hội,... có cả những thông tin tốt, hướng đến chân thiện mỹ, những tấm gương người tốt, việc tốt nhưng mặt trái là những thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Vì vậy, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cần chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, internet, truyền thông một cách sâu rộng; hướng đến các đối tượng cụ thể, các giới, các ngành, các lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó chú ý khu vực trường học, khu công nghiệp, người công nhân, người lao động...

Bên cạnh đó, báo chí phải thực sự trở thành diễn đàn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân đối với pháp luật; nêu gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phản ánh, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật.

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc mong muốn, các cấp, các ngành sẽ tạo “cú huých” giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được đẩy mạnh, sớm đưa nội dung này vào trường học, góp phần thiết thực hình thành nhân cách, phản xạ, phản ứng tuân thủ pháp luật cho mỗi công dân ngay từ khi còn nhỏ. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường không quá nặng nề, mà cần giúp học sinh biết cách tự tiếp cận với pháp luật để hiểu mình được làm gì cho bản thân và phải làm gì cho xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục