Đôi má hồng tròn xoe - phong cách trang điểm độc đáo của phụ nữ Nga xưa

Gương mặt của búp bê gỗ Matryoshka với đôi má màu hồng được vẽ tròn xoe được lấy cảm hứng từ chính phong cách trang điểm hết sức đặc biệt của phụ nữ Nga hàng trăm năm trước.

Đôi má hồng tròn xoe - phong cách trang điểm độc đáo của phụ nữ Nga xưa

Matryoshka là một món đồ chơi truyền thống rất nổi tiếng của Nga với những con búp bê nhiều kích thước từ nhỏ đến lớn lồng trong nhau.

Nhưng không phải ai cũng biết gương mặt của Matryoshka với đôi má màu hồng được vẽ tròn xoe lại được lấy cảm hứng từ chính phong cách trang điểm của phụ nữ Nga hàng trăm năm trước, một phong cách mà những tín đồ thời trang ngày nay không thể tin được.

Nhà sử học Alexander Tereshchenko (1806-1865) đã viết về cuộc sống của người Nga trước thế kỷ 17: “Phụ nữ vẽ má, môi, cằm và lông mày đậm đến mức trông thật kinh tởm,” đồng thời cho biết thêm nếu một người chồng không chịu mua phấn trắng cho vợ nghĩa là anh ta không yêu cô ấy.

Nhưng phong cách này đến từ đâu? Không có bằng chứng gì cho thấy những loại mỹ phẩm này đã từng được sử dụng ở nước Nga cổ đại. Tất nhiên, phụ nữ thế giới đã tô màu môi và má trong nhiều thế kỷ.

Hàng nghìn năm trước, người Ai Cập cổ đại đã sử dụng đất son đỏ, một hỗn hợp tự nhiên của oxit sắt và đất sét, để trang điểm. Họ thường sơn móng tay và nhuộm tóc bằng mực henna.

matryoshka-9252.jpg
Búp bê Matryoshka với đôi má hồng tròn xoe. (Nguồn: Vietnam+)

Tại khu vực Mesopotamia thuộc Tây Á, người ta sử dụng asafetida, một loại nhựa chiết xuất từ cây ferula. Phụ nữ Trung Quốc thì trang điểm để có làn da trắng hoàn hảo.

Người ta cho rằng phụ nữ Nga thời cổ đại, những người thường sinh ra và lớn lên trong điều kiện sống khổ cực, đã tìm lối thoát khỏi bế tắc thông qua những loại mỹ phẩm này.

Họ làm trắng da, vẽ má và bôi đen lông mày. Những người phụ nữ giàu có thường phủ một lớp phấn trắng có chì lên mặt. Ở các làng quê, những người phụ nữ có thu nhập thấp hơn sẽ sử dụng phấn từ bột mỳ và các loại vật liệu khác.

Phụ nữ thuộc tầng lớp trên trang điểm má hồng bằng spongilla (một loại bọt biển nước ngọt), rễ khô, quả mọng tươi hoặc nước chiết xuất từ gỗ đàn hương đỏ. Còn phụ nữ nghèo sử dụng nước củ cải ép cô đặc. Họ sẽ tô hồng toàn bộ vùng má, hoặc đôi khi vẽ thành hình tròn, đường sọc hoặc hình thoi.

Lông mày được vẽ bằng antimon hoặc than từ bếp củi. Kỹ thuật trang điểm này cũng rất đặc biệt. Phấn trắng được phủ dày lên mặt như một chiếc mặt nạ, lông mày được vẽ với phần đuôi kéo dài và rộng. Đặc biệt, vào thế kỷ 19, vợ của các nhà buôn thường nhuộm răng màu đen và coi đó là chuẩn mực của vẻ đẹp.

Theo các tài liệu ghi lại vào thời đó, mỗi năm, một phụ nữ giàu có thường sử dụng đến 8 kg phấn hồng, phấn trắng và các loại mỹ phẩm khác. Đặc biệt, một người đàn ông thường tô má hồng khi gặp phụ nữ để “chứng tỏ sự tôn trọng của anh ấy dành cho cô ấy,” nhà sử học Alexander Tereshchenko viết.

purim-costumes-3294.jpg
Phong cách trang điểm của Nga vẫn gợi cảm hứng cho nhiều phụ nữ muốn chụp những bức ảnh ấn tượng. (Nguồn: Pinterest)

Theo Antonio Possevino, một linh mục người Italy đến thăm Moskva vào năm 1580, những phụ nữ giàu có và quý phái có thói quen mặc ba chiếc váy, chiếc này chồng lên chiếc kia. "Một người phụ nữ chỉ mặc một chiếc váy là không hợp thời trang và thể hiện sự thấp hèn," ông nói.

Truyền thống sử dụng quá nhiều mỹ phẩn trong xã hội thượng lưu Nga dần trở nên lỗi thời dưới thời kỳ trị vì của Peter Đại đế.

Foy de la Neuville, một tác giả người Pháp trong cuốn "Ghi chú về Moscovia" (Relation curieuse et nouvelle de Moscovie, 1698) kể lại rằng Anna Stepanovna, vợ của Andrei Matveyev, bạn của Peter Đại đế, là “người phụ nữ duy nhất ở đất nước này không đánh phấn trắng mặt và không vẽ má hồng nên cô ấy khá ưa nhìn.”

Đây cũng là một gia đình có tư tưởng khá hiện đại. Andrei Matveyev sau này đã trở thành đại sứ Nga tại Hà Lan và có nhiệm vụ ngoại giao cho Peter Đại đế tại Anh và Pháp. Ông được coi là một đại diện sáng giá của “người phương Tây” trong giới quý tộc Nga.

Sau này, với sự giao thoa văn hóa toàn cầu, phụ nữ Nga cũng dần dần từ bỏ phong cách trang điểm đặc biệt này và hướng tới những xu hướng tự nhiên hơn như ngày hôm nay. Tuy nhiên, nước ép củ cải vẫn được sử dụng như một loại phấn má hồng trong một thời gian dài.

Và những con búp bê gỗ Matryoshka với đôi mắt to, gò má hồng vẫn luôn lưu giữ lại nét độc đáo của phong cách trang điểm Nga trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục