Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến ngày 5/12, cả nước đã tiếp nhận trên 99.000 hồ sơ đổi giấy phép lái xe. Bình quân mỗi ngày hiện có hơn 1.200 hồ sơ giấy phép lái xe thực hiện đổi trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia.
“Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng. Trong năm qua, nhờ đổi giấy phép lái xe trực tuyến đã tiết kiệm cho người dân và xã hội hơn 70 tỷ đồng,” ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nói.
Cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị được giao thực hiện 2 nhiệm vụ tại Đề án 06/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đó là kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe và cơ sở dữ liệu dân cư. Thứ 2 là đổi giấy phép lái xe cấp độ 4 trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Trong số đó, giấy phép lái xe cấp độ 4 là 1 trong 25 Dịch vụ Công thiết yếu và được chấm điểm đánh giá mức độ thực hiện Chính phủ Điện tử. Xác định được tầm quan trọng đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã quyết liệt thực hiện và đến nay đã kết nối được hơn 33/34 triệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Đưa ra con số đã tích hợp thành công gần 10 triệu hồ sơ giấy phép lái xe lên VneID, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận hiện còn một số vướng mắc như dữ liệu giấy phép lái xe không hiển thị trên ứng dụng VneID. Nguyên nhân do nhiều giấy phép lái xe không thời hạn, được cấp từ trước năm 1995, dữ liệu của người lái xe không đầy đủ hoặc không có hoặc thiếu thông tin dẫn đến việc không thể hiển thị hoặc hiển thị không chính xác. Bên cạnh đó, chưa đối khớp được 1,23 triệu bản ghi giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Mặt khác, dữ liệu sức khỏe đã được cập nhật từ các cơ sở khám chữa bệnh nhưng thời gian để đồng bộ dữ liệu phải chờ sau 4 tiếng mới có dữ liệu trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia; hệ thống đôi lúc còn lỗi gây khó khăn cho công dân khi nộp hồ sơ.
Ngoài ra, dữ liệu giấy phép lái xe vi phạm toàn quốc của Cục Cảnh sát giao thông trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia chưa đồng bộ; một số trường hợp công dân chưa được gỡ thông báo vi phạm, dẫn đến cán bộ nghiệp vụ phải tra cứu trên phần mềm quản lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông.
Mỗi ngày có từ 500-700 giấy phép lái xe được đổi trực tuyến
Vì vậy, thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai việc nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên ứng dụng VneID.
Cục cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông để hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ xác thực, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch triển khai giải pháp ứng dụng căn cước công dân trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe toàn trình từ đăng ký học, theo dõi quá trình học đến lúc thi cấp bằng bảo đảm định danh chính xác công dân.
Song song đó, Cục Đường bộ sẽ phối hợp với ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giao thông vận tải phối hợp với sở thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết và thấy được lợi ích của việc ứng dụng căn cước công dân trong hoạt động đào tạo sát hạch lái xe.
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử hỗ trợ cục làm sạch 1,23 triệu bản ghi dữ liệu giấy phép lái xe chưa trùng khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám sức khỏe người lái xe thực hiện cập nhật dữ liệu khám sức khỏe ngay sau khi khám để người dân sử dụng đăng ký dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra mục tiêu năm 2024, cục sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu gấp đôi con số đã tiết kiệm được cho người dân trong năm qua, khoảng 140 tỷ đồng./.