Đối đầu thương mại Mỹ-Trung: Cuộc đấu không người thắng

Giới chuyên gia nhận định việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đắm chìm trong "cuộc đấu giữa các cường quốc" không chỉ gây tổn hại cho cả 2 phía mà còn tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu.
Quần áo sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại New York, Mỹ ngày 22/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra khốc liệt sau những đòn "ăn miếng trả miếng" dồn dập của hai bên.

Liên tiếp trong 4 ngày từ 3-6/4, khi Mỹ "tung đòn" thì Trung Quốc "đẩy trả."

Danh sách các mặt hàng mà hai bên tuyên bố áp thuế cứ ngày một dài thêm, mức thuế bổ sung dự kiến đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ nước này sang nước kia cũng gia tăng chưa có giới hạn.

Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu xem xét khoản thuế bổ sung đối với hàng hóa với trị giá lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc, gấp đôi so với mức dự kiến đánh thuế trước đó, còn Trung Quốc phản đòn cứng rắn khi tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với "bất kỳ giá nào."

Theo giới phân tích, mặc dù các biện pháp trả đũa thuế quan của cả Washington và Bắc Kinh chưa có hiệu lực, song việc 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đắm chìm trong "cuộc đấu giữa các cường quốc" không chỉ gây tổn hại cho cả 2 phía mà còn tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu.

[Trung Quốc tuyên bố chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ bằng mọi giá]

Quyết định của Tổng thống Mỹ về khả năng tăng thuế với lượng hàng hóa lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc đã ngay lập tức khiến các chỉ số chứng khoán tương lai trên thị trường Mỹ đồng loạt giảm 1% và đồng USD trượt giá so với các đồng ngoại tệ khác.

Trong một số lĩnh vực của ngành công nghiệp Mỹ, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng rút vốn khỏi những công ty giao dịch các mặt hàng thuộc danh sách có thể chịu mức áp thuế cao hơn từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Giám đốc quỹ đầu cơ Seabreeze Partners Management Inc, Doug Kass, tỏ ý châm biếm khi cho rằng Tổng thống Trump đang chuẩn bị "đưa sự dao động của thị trường và sự bất ổn của nền kinh tế vĩ đại trở lại."

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ Matthew Shay cảnh báo Mỹ đang ở tình thế "nguy hiểm" và cuối cùng các hộ gia đình Mỹ sẽ là bên chịu tổn thất.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Ben Sasse cho rằng quyết định mới nhất của ông chủ Nhà Trắng là "ngớ ngẩn" trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp Mỹ đang nỗ lực tìm cách hỗ trợ nông dân nước này bị ảnh hưởng bởi mức áp thuế mới của Trung Quốc đưa ra nhằm đáp trả chính sách thuế của Mỹ.

Cũng có những ý kiến chỉ trích cho rằng các động thái bảo hộ thương mại của ông Trump sẽ gây tổn thương cho chuỗi cung ứng toàn cầu mà giới doanh nghiệp Mỹ là một bộ phận, đồng thời làm tăng giá các mặt hàng đối với người tiêu dùng Mỹ.

Các diễn biến mới nhất cũng làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu vốn chịu nhiều sức ép kể từ khi bùng nổ cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung.

Các nhà giao dịch dường như khó đưa ra một quyết định do mông lung không hiểu lời đe dọa mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ là thực hay chỉ nhằm mục đích "nắn gân" đối tác Trung Quốc.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ tác động hạn chế cả về trung hạn và dài hạn đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

[GDP toàn cầu sẽ giảm mạnh nếu Mỹ kích động chiến tranh thương mại]

Cụ thể, với việc Mỹ tăng thuế khiến kim ngạch xuất khẩu ròng của Trung Quốc vào Mỹ giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 có thể sẽ giảm không đáng kể từ 0,1-0,3%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ năm 2017 là 636 tỷ USD. Vì thế, danh sách đánh thuế này cơ bản chỉ bằng khoảng 10% lượng hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Thực tế trong 10 năm qua cho thấy giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đã nhiều lần xảy ra xung đột thương mại, nhưng kết quả vẫn là thặng dư thương mại Trung-Mỹ ngày càng gia tăng.

Những nhận định về tác động hạn chế của chính sách mới của Mỹ đối với kinh tế Trung Quốc cũng phù hợp với quan điểm cho rằng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ thực chất chỉ là một "vở kịch" và mỗi bên đều có những toan tính riêng trong vở kịch này.

Nói cách khác, những đe dọa thuế quan liên tiếp của cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đến mức dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Những đòn "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên mang mục đích chính trị nhiều hơn kinh tế, tuyên truyền nhiều hơn thực tế. Nếu tính tới thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, những tuyên bố về đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được hiểu là biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp của Mỹ và bảo vệ người lao động Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng mục đích chính của việc Mỹ nổ phát súng khơi mào cuộc chiến thương mại là buộc Trung Quốc cởi mở hơn nữa với bên ngoài, đặc biệt là nới lỏng hạn chế nhập khẩu của một số ngành nghề.

Hơn thế nữa, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn. Do đó, xét từ kết quả cuối cùng, cuộc đấu thương mại này nhiều khả năng không mất kiểm soát và "ván bài" giữa 2 nước cuối cùng sẽ chốt lại thỏa hiệp song phương. Cuộc đối đầu thương mại giữa hai bên khi đó chỉ mang tính chất "trình diễn" mà không có người thắng.

Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội đầu tiên giải quyết những bất đồng sâu sắc về thương mại song phương bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington từ ngày 20-22/4 tới.

Các nhà phân tích bày tỏ hy vọng 2 bên có thể đạt được một số thỏa thuận dàn xếp trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại đa phương tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đúng tinh thần của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng "một cơ chế đa phương có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu."/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục