Đầu xuân, hòa cùng không khí của mùa lễ hội, du khách thập phương lại háo hức về với tục rước “ông lợn” đi khao quân. Đây là tục lệ độc đáo và hấp dẫn diễn ra vào ngày 13, 14 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, dù tục rước lợn diễn ra vào ban đêm, song rất đông cụ già và bạn trẻ vẫn nô nức tới chiêm ngưỡng những “ông lợn” được trang điểm lộng lẫy, nằm yên vị trên những chiếc kiệu vàng… Công lớn về người cai đám Như thông lệ, tục rước “ông lợn” để khao quân trước khi ra trận đánh giặc được người dân La Phù tổ chức vào đêm 13 đến rạng sáng ngày 14 tháng Giêng Âm lịch. Tuy vậy, ngay từ buổi sáng, khắp các xóm ở xã La Phù đã tập trung tại nhà “ông cai” (người được dân làng trong xóm giao trọng trách nuôi lợn) để chuẩn bị lễ. Các cụ cao niên ở xã La Phù kể rằng, tục rước lợn nơi đây bắt nguồn từ việc khao quân của Đức thánh Tam Lang Đại Vương, một lạc tướng thời Hùng Vương, có công đánh giặc Thục. Tương truyền, mỗi khi Đức thánh tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, mổ lợn để khao quân. Sau này, vị tướng đã “hóa” vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng Âm lịch ở làng La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Để tưởng nhớ ngài, dân làng đã lấy ngày 13, 14 tháng Giêng là ngày tổ chức dâng lễ khao quân, cũng là ngày giỗ của Đức thánh Tam Lang Đại Vương. Theo ông Dương Văn Kiểm, một cao niên ở làng La Phù thì tục rước lợn khao quân là tục lệ mang đậm nét văn hóa của người dân La Phù. Theo tục lệ, cứ đến ngày 13, người dân trong vùng lại thịt lợn, rồi trang điểm cho lợn thật đẹp, để rước “ông” lên đình tế giỗ thần.
Trang điểm cho "ông lợn." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cũng theo ông Kiểm thì người La Phù quan niệm, một “ông lợn” mang đi tế thần phải được chăm sóc công phu và không bệnh tật thì người trong xóm mới được hưởng lộc và được thần phù hộ. Bởi vậy, việc chọn người cai đám cũng rất khắt khe. Thông thường phải là người hiền tài, trong năm gia đình đó không có ‘bụi.” May mắn được bầu làm người cai đám “ông lợn” để tế thần năm 2013, anh Nguyễn Văn Hùng, ở xóm Đoàn Kết bảo rằng khi nhận trọng trách, cả một năm trời gia đình anh không dám lơ là việc chăm bẵm “ông lợn.” Theo anh Hùng, công việc cai lợn này hết sức quan trọng nên người nuôi lợn để tế lễ cũng phải tách bạch riêng “ông lợn” với đàn lợn nuôi kinh doanh. Về chế độ ăn uống của “ông” cũng đặc biệt. Thường thì mùa hè phải tắm rửa sạch sẽ, thức ăn không được trộn cám công nghiệp. Đặc biệt, thi thoảng còn phải “tẩm bổ” cho “ông lợn” bằng những nồi cháo ngô, đậu tương. Cuối năm phải cho “ông” lợn “chén” cháo gạo sạch. Và đặc biệt là không để “ông lợn” bị… ốm đau, bệnh tật. “Nếu ‘ông’ có bị ốm, lập tức mình phải gọi các cụ cao niên lại nhà bàn bạc, nhờ bác sĩ thú y chữa trị. Còn chẳng may ‘ông lợn’ bị chết, mình phải lập tức tìm một ‘ông’ khác để thay thế và sẽ không có cơ hội làm cai đám một lần nào nữa,” anh Hùng nói. Không những vậy, theo anh Hùng thì khi người cai đám chăm sóc “ông lợn” bất thành, cả năm xóm đó rất có thể sẽ gặp phải những điều không may mắn trong công việc sinh hoạt, cũng như kinh doanh. “Thường thì mỗi năm, để kiểm soát sức khỏe của ‘ông lợn,’ các cụ cao niên sẽ đi “thanh tra đột xuất” 9-10 lần, xem sức khỏe “ông lợn” có gì bất thường không. Nếu phát hiện cai đám không chu đáo với ‘ông, các cụ sẽ họp phạt và có thể còn tước quyền cai đám,” anh Hùng mách. Cũng bởi việc chăm sóc “ông lợn” rất kỳ công và tốn kém, nên người La Phù thường nuôi theo hình thức “cổ phần,” bởi chi phí nuôi “ông” là sự góp sức của cả một xóm chứ không phải của một nhà. Sau một năm, “ông lợn” thường có trọng lượng trên dưới 200 kg và sẽ được chăm theo khẩu phần “đãi ngộ” là ăn cơm một tuần trước khi đem ra thịt, dâng lễ. Rước “ông lợn” đi khao… dân! Rước lợn lên đình làng là một tục lệ rất khác biệt và độc đáo ở làng La Phù. Theo các cụ cao niên trong làng, sở dĩ lợn được chọn làm vật tế lễ là bởi vào ngày 13 âm lịch, ngài mở lễ khao quân sau khi đánh giặc. Cả xã hiện có 15 xóm, nhưng có tới 17 “ông lợn” được rước ra đình, bởi những xóm “lớn,” khá giá sẽ được rước 2 ông lợn. Theo tục lệ, sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, tại các xóm, cai đám sẽ cho lợn ăn no. Sau đó, gia đình sẽ làm mấy mâm cỗ mời các cụ trong xóm cùng những người đến thịt để lên kế hoạch, thịt và trang điểm cho lợn. Những người mổ lợn tuyệt đối không được phép dùng roi quất, hay dùng dây trói buộc “ông lợn” mà phải dùng tay để giữ, tránh làm “ông” bị bầm dập, sưng phù. Sau khi thịt “ông lợn,” người ta đặt lợn trên một chiếc khung bằng tuýp nước đã được uốn cong để chống mình lợn lên cao. Tiếp đến, họ trang điểm cho ông lợn bằng những nhúm hoa, áo lưới bằng dát mỡ, rồi đặt lên chõng cao khoảng 1,2m. Chiều rộng, dài của chõng tùy trọng lượng của lợn để làm. Tới lúc “ông lợn” đã yên vị trên xe đẩy, người ta tiếp tục trang trí cho ông bằng những bông hoa từ giấy màu cắt ra, tết hoa tươi thành vòng. Đặc biệt, là khâu bóc lớp mỡ lá của chính “ông” để phủ lên da “ông,” tạo thành một lớp áo màng rất bắt mắt và đặc sắc. Khoảng 17 giờ 30 phút, sau khi ánh mặt trời dần khuất, những dàn đèn lồng, đèn nháy trang trí khắp đường làng, ngõ xóm đồng loạt sáng cũng là lúc các xóm nhộn nhịp nổi vang trống, kèn cùng với những màn múa lân, để rước kiệu “ông lợn” ra đình.
Rước kiệu "ông lợn" ra đình làng La Phù để tế thần. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Theo lệ, các xóm phải bốc thăm và dâng lễ vào tế thần theo thứ tự. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: đi đầu là hai lá cờ đại, rồi sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Tiếp theo sẽ là bàn ngũ quả, cùng với các loại đồ thờ như cây đèn, ống hoa. Cuối cùng là kiệu của “ông lợn” được đẩy (cách tân kiểu xe) bởi những thanh niên trai tráng. Trên đoạn đường liên xóm dài chừng 1km, từng đám rước diễn ra rất nhộn nhịp. Các xóm đều có đội văn nghệ riêng của mình để biểu diễn. Xóm thì múa lân, xóm múa sinh tiền, xóm dùng nhạc bát âm, cũng có xóm thuê hẳn kèn tây, trống đồng cùng nô nức tiến về đình làng dâng lợn tế thần. Cho tới khi đến đình làng, bàn ngũ quả, vật dụng của các xóm được xếp dọc hai bên trong và ngoài sân đình. Sau đó, “ông lợn” được khiêng vào đại đình và hậu cung để các cụ thắp hương, làm lễ. Theo cụ Nguyễn Văn Bá, người có thâm niên làm cái đám ở xóm Minh Khai II, thì ngày 14 tháng Giêng là ngày giỗ của Thành Hoàng, người dân sẽ không tổ chức ca hát và những trò chơi. Bởi thế, lễ rước “ông lợn” sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng, sau đó lễ tế sẽ diễn ra vào 23 giờ ngày 13 đến 2 giờ sáng ngày 14. Rạng sáng 14, trước sự đông đủ của bà con khắp xã ở sân đình, các cụ cao niên sẽ công bố điểm thi xem lợn của xóm nào đẹp và có quà tặng (thường là vài bao thuốc, gói chè). Sau đó, từng xóm lại khiêng lợn về và xẻ thịt, chia phần cho từng hộ trong xóm của mình, coi như lộc thần khao… dân. “Cũng theo lời cụ Bá, thì ngày nay những nghi lễ trong lễ hội rước lợn ở La Phù, dù tổ chức đình đám hơn, song vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống của làng và rất có ý nghĩa. “Bởi vậy, dù đã bước sang tuổi 80, song đêm nay tôi vẫn cố trắng đêm cùng bà con vui hội. Tôi tin với tập tục lâu đời, cùng với những ‘ông lợn’ được trang trí bắt mắt, sẽ giúp lớp trẻ và người dân tứ xứ tới thăm quan cảm nhận và hiểu rõ hơn về nét văn hóa đặc trưng của vùng quê có vị tài tướng,” cụ Bá gói gọn./.
Hùng Võ (Vietnam+)