Độc đáo tục hóa trang, bôi mặt nhọ trong Lễ hội Ná Nhèm ở Lạng Sơn

Điều đặc biệt của Lễ hội Ná Nhèm ở Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, là những người tham dự phải bôi nhọ lên mặt, thể hiện hình dạng giặc Tài Ngàn khi còn sống.

Tái hiện sự tích đánh giặc, giữ làng tại Lễ hội Ná Nhèm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Tái hiện sự tích đánh giặc, giữ làng tại Lễ hội Ná Nhèm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Lễ hội Ná Nhèm (còn gọi là Lễ hội mặt nhọ) được người dân tộc Tày ở Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội có các nghi thức, nghi lễ thờ cúng Đức vua Miêu Tĩnh, Đức vua Cao Quyết, Đức thánh Cao Sơn-Quý Minh gắn với các câu chuyện đánh giặc giữ làng và các phong tục, hoạt động văn hóa, trò diễn của người Tày.

Điều đặc biệt của Lễ hội Ná Nhèm là những người tham dự phải bôi nhọ lên mặt, thể hiện hình dạng của giặc Tài Ngàn khi còn sống.

Theo Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Lễ hội Ná Nhèm cũng có nhiều truyền tích, truyện kể liên quan tới lịch sử hình thành và phát triển lễ hội, điển hình là tục bôi nhọ mặt, tục phù phép người thành quỷ dữ (tục hóa trang của người Tày) để nhớ về tích truyện 12 tên cướp đã đến thôn Làng Mỏ cướp phá, bị đánh đuổi và bỏ mạng tại mảnh đất này, biến thành hồn ma, quỷ dữ dọa người.

Việc hóa trang thành những hồn ma quỷ dữ bị đánh, bị giết là để đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc và những hồn ma đó không dám quay trở lại hãm hại dân làng.

ttxvn_le hoi na nhem 2.jpg
Người tham dự Lễ hội Ná Nhèm phải bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngoài ra, còn nhiều tích truyện liên quan đến thần linh đình Làng Mỏ mà chỉ có các cụ cao niên trong thôn Làng Mỏ mới biết.

Theo những câu chuyện kể về Đình Làng Mỏ qua các tích truyện cổ (viết bằng chữ Hán Nôm) hoặc được truyền miệng trong dân gian làng xã thì ngày xưa, ở khu vực cửa đình Làng Mỏ có ít nhất 3 địa điểm thờ tự của cộng đồng (điểm thờ các vị thần linh), đó là thờ Thần Nước (Long Vương) và Đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn; thờ giặc Tài Ngàn (Quỷ thần) tại miếu Xa Vùn; thờ Đức thánh Cao Sơn-Quý Minh (Thần núi Tản Viên) tại Đình Làng Mỏ.

Trước đây, Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức 3 năm một lần nhưng từ năm 2012 đến nay, lễ hội được duy trì mỗi năm tổ chức một lần. Năm 2015, Lễ hội Ná Nhèm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế và rước nước được thực hiện từ miếu thờ Đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn về đình Làng Mỏ; nghi lễ cúng tế tại đình Làng Mỏ (thờ Đức vua Cao Quyết và miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn-Quý Minh” được các ông mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn.

Những người lần đầu tiên đi hội Ná Nhèm sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những nghi lễ của đám rước long ngai, bài vị và chương trình đánh đại đao, gươm mác, rước linh vật. Những linh vật cung tiễn không phải là cỗ xôi, con gà, con lợn mà là các loại cây giống và độc đáo hơn còn có Tàng thinh-Mặt nguyệt - linh vật sinh thực khí.

ttxvn_ruoc sinh thuc khi 1.jpg
Điểm đặc sắc của Lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt) với ước mong sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đến với lễ hội, du khách được thưởng thức trò diễn sỹ-nông-công-thương, ngư-tiều-canh-mục (kén dâu, kén rể) và các môn thể thao truyền thống như bịt mắt bắt dê, chơi đu, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng…

Lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều giá trị mang ý nghĩa lịch sử của cộng đồng dân tộc, lịch sử cư trú tộc người, lịch sử các ngành nghề, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn và lễ nghi...

Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp, không những chứa đựng giá trị văn hóa mà thông qua đó còn giáo dục truyền thống, chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo những tinh hoa của cộng đồng, dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục