Độc đáo tour tham quan các nhà vệ sinh công cộng tại Thủ đô Tokyo

Du khách tham gia tour sẽ được tham quan 17 nhà vệ sinh công cộng độc đáo tại quận Shibuya ở Tokyo, đây là những nhà vệ sinh được thiết kế bởi các kiến trúc sư và nhà thiết kế nổi tiếng của Nhật Bản.
"Nhà vệ sinh công cộng Jingumae" được thiết kế trông giống như một ngôi nhà cổ ở khu vực Harajuku, quận Shibuya (Tokyo). (Nguồn: The Mainichi)

Các nhà vệ sinh được áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản từ lâu đã có khả năng thu hút mạnh mẽ du khách, những người phát cuồng với loạt sản phẩm vệ sinh tiên tiến như ghế sưởi, hệ thống chùi rửa thông minh, xả nước tự động... Thậm chí người Nhật còn sản xuất ra thiết bị tạo ra tiếng ông để che đi những âm thanh không mong muốn sẽ xuất hiện khi một người phải "giải quyết nỗi buồn".

Sự quan tâm của dư luận càng tăng lên nhờ bộ phim "Những ngày hoàn hảo" của đạo diễn người Đức Wim Wenders. Phim kể về câu chuyện của Hirayama, một người dọn dẹp nhà vệ sinh ở Tokyo, đang được đề cử giải Phim quốc tế hay nhất tại Lễ trao giải Oscar.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 1/3, các nhà chức trách ở quận Shibuya, Tokyo - nơi có nhà vệ sinh xuất hiện trong phim - đã tổ chức các chuyến tham quan tới 17 nhà vệ sinh công cộng được các kiến trúc sư nổi tiếng như Tadao Ando và Shigeru Ban thiết kế.

Du khách có thể lựa chọn hai tuyến tham quan: Tuyến phía Đông, thăm tám địa điểm ở phía Đông của quận, và Tuyến phía Tây, thăm chín địa điểm ở phía Tây. Phí tham quan là 4.950 yen (khoảng 33 USD). Du khách có thể đăng ký tham gia tour qua trang web của NearMe

Nhà vệ sinh đầu tiên trong số này nằm ở công viên Nabeshima Shoto, là một công trình bằng gỗ do Kengo Kuma tạo ra. Kuma đã mô tả công trình của mình như một “ngôi làng nhà vệ sinh”, với năm túp lều phục vụ cho các đối tượng là nam giới, phụ nữ, gia đình và người sử dụng xe lăn. Ngoài ra còn có một túp lều khác để khách sử dụng dịch vụ vệ sinh “chỉnh sửa trang phục và chải chuốt”.

Ý tưởng xây dựng các công trình vệ sinh mới tại những khu vực khác nhau ở Shibuya là trọng tâm của dự án Nhà vệ sinh Tokyo - sản phẩm sự hợp tác giữa Koji Yanai, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Uniqlo, tổ chức phi lợi nhuận Nippon Foundation và chính quyền Shibuya. “Chúng tôi muốn thay đổi hình ảnh của nhà vệ sinh công cộng khỏi định kiến là những chốn tối tăm, bẩn thỉu và nguy hiểm”, ông Yumiko Nishi thuộc Hiệp hội Du lịch Shibuya chia sẻ với trang Guardian.

Kể từ khi dự án Nhà vệ sinh Tokyo hoàn tất vào năm ngoái, hầu hết sự chú ý của giới truyền thông đều đổ dồn vào nhà vệ sinh sử dụng “kính thông minh” Shigeru Ban. Công trình này thu hút vì có các bức tường kính trong suốt bao quanh và chúng sẽ chuyển sang màu đục để ngăn các ánh nhìn tò mò mỗi khi có người sử dụng.

Shigeru Ban chia sẻ rằng ông lấy cảm hứng từ hai mối lo ngại của mọi người khi họ tới gần một nhà vệ sinh công cộng, nhất là nếu nó nằm ở góc khuất nào đó. “Đầu tiên là sự sạch sẽ và thứ hai là liệu có ai ở bên trong hay không,” Shigeru Ban chia sẻ.

Tuy nhiên nhà vệ sinh này có một vấn đề: vào mùa Đông, các vách kính mất nhiều thời gian hơn để chuyển sang màu đục. Trục trặc này có thể khiến ngay cả những du khách đang có nhu cầu "giải quyết nỗi buồn" cao nhất cũng không thể làm liều và sử dụng công trình. Để xử lý sự cố, các vách kính của công trình đã được đưa vào trạng thái màu đục liên tục cho tới giữa tháng 5 năm nay.

Nhà vệ sinh thứ ba mang tên Andon gây chú ý với các cánh cửa có màu xanh lá cây tươi sáng. Mỗi phòng vệ sinh tại công trình đều được dọn dẹp ba lần một ngày và được các chuyên gia “tư vấn nhà vệ sinh” kiểm tra hàng tháng.

Nhà vệ sinh khác cũng gây ấn tượng tốt là Hi Toilet - một nhà vệ sinh "không tiếp xúc". Người dùng dịch vụ khi đi vào nhà vệ sinh có mái vòm hình cầu này có thể điều khiển mọi thiết bị bên trong chỉ bằng giọng nói mà không cần phải chạm vào thứ gì.

Các nhà vệ sinh còn lại như Amayadori, The House, Three Mushrooms... đều là các công trình được thiết kế đẹp mắt và độc đáo.

Về cơ bản, nhiều thành phố ở các quốc gia khác chỉ có thể nhìn Tokyo với ánh mắt ghen tị khi họ phải vật lộn với tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, bên cạnh những lời phàn nàn về vấn đề vệ sinh và an toàn. Thủ đô của Nhật Bản - thành phố có 14 triệu dân - đang có tỷ lệ 53 nhà vệ sinh công cộng/100.000 dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục