Tết truyền thống Bun Huột Nặm (Tết té nước) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Lào ở Điện Biên.
Ngày 14/4, cộng đồng dân tộc Lào sinh sống tại bản Na Sang 1 và Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã tưng bừng tổ chức Tết Bun Huột Nặm.
Từ sáng sớm, người dân trong bản Na Sang 1 chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, rực rỡ nhất để chơi hội. Những con đường trong bản cũng được trang trí rực rỡ cờ hoa, không khí vui tươi, rộn ràng khắp bản làng.
Từng đoàn người với những bộ trang phục lộng lẫy cùng nhau tụ hội về bãi đất trống cạnh bờ sông Nậm Núa để chuẩn bị cho các nghi thức của lễ hội.
Đầu tiên là các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Lào do các phụ nữ trong bản biểu diễn.
[Đón Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các bộ tộc Lào tại Hà Nội]
Ngay sau các tiết mục văn nghệ là các nghi thức, lễ thức cúng tế thần linh. Mâm lễ được chuẩn bị chu đáo từ trước sẽ được mang ra trung tâm khu vực thực hiện lễ cúng, bà mo cùng già làng, trưởng bản và đội nghi lễ mặc trang phục truyền thống quây quần bên mâm lễ và thực hiện nghi thức cúng thần linh.
Sau lễ cúng, bà mo cùng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản sẽ thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay cho tất cả nhân dân, du khách cùng tham gia lễ hội.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay với mong muốn cầu may, chúc cho người được buộc chỉ sẽ có một năm mới bình an, không ốm đau bệnh tật, gặp nhiều may mắn.
Trong quá trình buộc chỉ cổ tay, một vài người trong đội nghi lễ sẽ dùng cành hoa vẩy nước để cầu chúc những điều may mắn.
Sau lễ cúng thần linh, bà mo cùng đội nghi lễ sẽ đến từng nhà dân trong bản để thực hiện nghi thức xin nước mưa (só nặm phạ phốn). Gia chủ sẽ té nước lên đoàn người xin nước với ý nghĩa ban lộc, ban phước cho mọi người gặp nhiều may mắn.
Đoàn người mang lễ vật ra khu vực suối Nậm Núa để dâng tế lễ vật, cúng mời thần suối hưởng lễ. Sau đó, tất cả bà con dân bản cùng lội xuống suối tắm, té nước vào nhau để cầu chúc những điều tốt đẹp.
Phần hội là những trò chơi dân gian truyền thống như rùa ấp trứng, hổ vồ lợn, rắn bắt ngóe, rồng rắn lên mây… Người dân trong bản cùng du khách thập phương tụ hội tại bãi đất trống để vui chơi, reo hò cổ vũ theo tiếng trống, tiếng chiêng làm cho không khí ngày Tết thêm tưng bừng, sôi động.
Bà Lường Thị Sao May, người chủ trì lễ cúng tại Tết té nước ở Núa Ngam phấn khởi cho biết, hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bà con dân tộc Lào ở Na Sang không thể tổ chức Tết té nước.
Đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cụ thể là chính quyền xã Núa Ngam, người dân tộc Lào ở Na Sang vô cùng hào hứng, phấn khởi khi lại được vui Tết té nước truyền thống của dân tộc.
Tất cả người dân trong bản từ già đến trẻ nhiều ngày nay đã trang hoàng đường sá, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian để mang đến ngày Tết không khí rộn ràng, tưng bừng.
Tết té nước là nghi thức quan trọng của cộng đồng người dân tộc Lào ở Na Sang với mong muốn cầu chúc cho mọi người dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.
Bên cạnh đó, thông qua Tết té nước muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống tốt đẹp, sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc Lào ở Na Sang.
Theo ông Cao Đăng Nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Núa Ngam, người dân tộc Lào sinh sống ở hai bản Na Sang 1 và Na Sang 2. Cộng đồng dân tộc Lào ở Núa Ngam vẫn tích cực duy trì, phát huy những nét văn hóa mà cha ông để lại, từ trang phục, nếp sống đến các lễ hội, nghi thức.
Đặc biệt là Tết té nước đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Đây là động lực để chính quyền xã Núa Ngam cũng như cộng đồng dân tộc Lào ở Na Sang tích cực bảo tồn, gìn giữ và quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, phát triển du lịch của địa phương./.