Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh

Khi đã hoàn thành việc gieo trỉa hạt trên nương rẫy, người Chứt tổ chức Tết để ăn mừng, làm lễ cảm tạ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, no đủ và phát triển.
Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh ảnh 1Sôi nổi phần hội tại ngày hội Tết Lấp lỗ ở bản Rào Tre. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 22/8 (tức ngày 7/7 âm lịch), đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh tưng bừng tổ chức Lễ hội Tết Lấp lỗ năm 2023.

Tết Lấp lỗ là một phong tục độc đáo của đồng bào Chứt, có ý nghĩa “cắm lỗ, gieo hạt,” báo hiệu đã hoàn thành việc gieo trỉa trên nương rẫy, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, no đủ.

Lễ hội thường được tổ chức tại bìa rừng, gần bản làng vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm, với những lễ vật đơn giản nhưng đầy trang trọng mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Tết Lấp lỗ có hai phần gồm lễ và hội. Phần lễ bao gồm các nội dung như dựng cây nêu, cột lễ; cung nghinh lễ vật; nghi thức cúng lễ. Phần hội bao gồm các hoạt động dân ca, dân vũ, vui hội trò chơi dân gian.

Trong phần lễ, đồng bào Chứt dựng cột lễ và 4 cây nêu là biểu tượng cho 4 phương Đông-Tây-Nam-Bắc. Cây nêu, cột lễ được xem là cây thông thiên, đánh dấu vị trí lễ hội để gửi tin báo mời thần linh xuống dự. Thần linh sẽ trú ngụ trong những cây nêu và cột lễ này để hưởng dùng các lễ vật hiến tế.

Sau khi dựng cột lễ và cây nêu, bà con dân bản mỗi người một việc, chung tay chuẩn bị các lễ vật dâng cúng và cung nghinh trang trọng về cột lễ để mời thần sông, thần núi, ma rừng và linh hồn những người đã khuất về dự lễ, hưởng dùng lễ vật.

Già làng thực hiện lễ cúng sẽ lấy quẻ là 2 mảnh tre (nứa) đặt trên chiếc rựa khấn nguyện thần linh giúp dân bản tránh cái xui và đưa cái may, cái phúc đến cho làng.

Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh ảnh 2Bà con dân tộc Chứt trình diễn tiết mục đàn môi đặc trưng. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khi gieo quẻ, thầy cúng bốc một ít gạo trong chiếc bát đặt ở trên mâm cỗ, tung ra bốn phía để mời con ma rừng, các thần linh và những người đã khuất về hưởng.

Tiếp đó đến phần hội, tiếng nhạc vang lên, các chàng trai, cô gái và dân làng ca hát, nhảy múa xung quanh cột lễ với những vũ điệu núi rừng hoang sơ và bắt đầu các trò chơi dân gian sôi nổi như thi bắt lợn, bịt mắt bắt vịt; kéo co; đẩy gậy, giao lưu bóng đá…

[Xuân mang niềm tin mới với người dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh]

Nhân dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Đồn Biên phòng Bản Giàng trao tặng 46 suất quà cho bà con, mỗi suất 500.000 đồng gồm quà và tiền mặt.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng trao tặng 46 suất quà, mỗi suất trị giá 640.000 đồng gồm các đồ dùng gia dụng; huyện Hương Khê tặng 46 suất quà, mỗi suất trị giá 550.000 đồng gồm thịt lợn, bánh chưng, nước mắm, mì chính, dầu ăn và gạo nếp.

Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh trao tặng bà con bản Rào Tre 200 cây giống phát triển kinh tế.

Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh ảnh 3Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Hà Tĩnh cũng trao tặng cho bà con bản Rào Tre 200 cây giống phát triển kinh tế. (Ảnh: TTXVN phát)

Đồng bào Chứt là một trong những dân tộc ít người của Việt Nam. Trước đây, đồng bào sinh sống ở các hang đá trong rừng sâu, cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm.

Người Chứt có những phong tục tập quán riêng biệt, sinh sống biệt lập nơi rừng sâu nên cuộc sống bấp bênh, dân số thấp, thậm chí đối mặt nguy cơ tuyệt chủng do hôn nhân cận huyết.

Năm 1991, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện tộc người Chứt và vận động bà con về sống tập trung trong những căn nhà kiên cố tại bản Rào Tre. Bà con được học tiếng Kinh, được hướng dẫn cách thức sản xuất, chăn nuôi và thay đổi lối sinh hoạt kiểu cũ.

Hơn 30 năm qua, với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự quan tâm đặc biệt của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và chính quyền địa phương, cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre đã có nhiều đổi thay tích cực.

Từ 18 nhân khẩu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, giờ đây cộng đồng người Chứt đã tăng lên 156 nhân khẩu. Cuộc sống của người Chứt ngày càng ấm no và phát triển, đã có những học sinh người Chứt ở Rào Tre thi đỗ đại học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục