Trong sắc xuân ngập tràn mọi nẻo đường, giữa cái lạnh se sắt của những ngày cuối năm, chúng tôi ngược hơn 200km về hướng huyện miền núi Quan Sơn để khám phá phiên chợ độc đáo nhất vùng biên Thanh Hóa-Hủa Phăn mang tên: chợ Na Mèo.
Chợ Na Mèo không chỉ là nơi mua, bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc anh em và nhân dân hai nước Việt-Lào. Có lẽ vì thế người dân nơi này còn gọi chợ bằng một cái tên khác: Chợ đoàn kết.
* Độc đáo chợ vùng biên Na Mèo
Nằm trên địa bàn xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa và chỉ cách cột mốc biên giới Việt Nam-Lào chừng 300m, mỗi tuần chợ Na Mèo chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng thứ Bảy.
Những phiên giáp Tết Nguyên đán, chợ Na Mèo thu hút một lượng người và hàng hóa lớn hơn nhiều so với các phiên trong năm.
Tờ mờ sáng, đồng bào các dân tộc Mông, Thái từ khắp các nẻo đường, các bản làng xa xôi như Mùa Xuân, Xía Nọi, bản Khà, Mường Mìn... vượt suối, băng dốc để xuống trung tâm bản Na Mèo cho kịp phiên chợ.
Góp mặt tại phiên đầu năm còn có cả những tiểu thương từ trung tâm huyện Quan Sơn hoặc từ thành phố Thanh Hóa lên thu gom nông sản vùng cao như măng khô, hạt bầu, khoai sọ... về cung cấp cho thị trường Tết dưới xuôi.
Mỗi thứ Bảy đến, Na Mèo như nàng công chúa đang ngủ say, chợt tỉnh giấc giữa ồn ào, nhộn nhịp, khác hẳn nhịp sống hàng ngày.
Theo chân các chiến sỹ biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Quốc tế Nậm Xôi (thuộc tỉnh Hủa Phăn, Lào), lúc này, cửa khẩu hai bên chưa mở cửa nhưng bà con nhân dân, tiểu thương nước bạn Lào đã tề tựu khá đông.
Tâm sự với chúng tôi, chị Lò Y Van, đến từ huyện Viêng - Xay, tỉnh Hủa Phăn đã phải thức dậy từ 3 rưỡi sáng, vượt quãng đường hơn 20km để kịp đến chợ phiên Na Mèo.
Vẻ chất phác, kham khổ và nụ cười bẽn lẽn trên môi người phụ nữ Lào này như làm ấm lại cái lạnh cắt da cắt thịt của buổi sáng mùa đông nơi rẻo cao.
Hàng hóa chị mang sang chợ là rau, củ vườn nhà với hy vọng sẽ bán được giá để có thêm tiền mua thêm quần áo mới, sách vở, đồ sinh hoạt cho gia đình.
Đến giờ cửa khẩu Na Mèo-Nậm Xôi mở ra cũng là lúc bà con nhân dân, tiểu thương từ nước bạn Lào nhanh chóng làm các thủ tục thông quan để sang Na Mèo kịp tìm vị trí tốt trong phiên chợ.
Nét đặc trưng nhất ở chợ Na Mèo chính là các sản vật địa phương được nhân dân Lào-Việt mang đến chợ để trao đổi, bày bán như: chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng, nhím, dúi, cá suối nướng, vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, chiếu, dưa chuột Lào, măng rừng, rau, cơm nắm, thịt bò... (của người Lào) và các mặt hàng gia dụng, giày dép, quần áo, xà phòng, cá biển, cơm nếp... (của người Việt).
Đến phiên chợ Na Mèo những ngày giáp Tết này, một sản vật rất thịnh hành ở đây chính là quả cọ rừng. Quả cọ có vị bùi, hơi ngậy, là món ăn hấp dẫn của người dân bản địa cũng như của nhiều khách du lịch mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.
Nhiều người dân địa phương đã có thu nhập đến cả chục triệu đồng sau mỗi mùa cọ chín.
* Phiên chợ của tình đoàn kết
Chợ Na Mèo ra đời từ cuối năm 1989, ban đầu chỉ là 1 khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc Thái, xã Na Mèo.
Mãi đến năm 1999, khi chợ được nâng cấp, xây dựng thành khu chợ kiên cố, sạch sẽ và đến năm 2004, Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế thì chợ Na Mèo ngày càng nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú hơn, lượng người giao thương cũng ngày một nhiều hơn.
Trong phiên chợ Na Mèo, có hai loại tiền đồng thời cùng được lưu hành là tiền Việt Nam đồng và tiền Kíp Lào.
Người Việt, người Lào đi chợ, có thể không biết tiếng của nhau, nhưng ai cũng có thể mua hàng hóa mình cần, vì chỉ cần ra dấu hiệu là muốn mua mặt hàng này, thì ngay lập tức, người bán sẽ giơ ngón tay để ra giá của sản phẩm. Tại chợ Na Mèo, không có việc mặc cả, trả giá.
Dù mỗi tuần chỉ họp có một phiên nhưng không hề thấy ở nơi này sự xô bồ, chen lấn. Thuận mua, vừa bán, bán giá nào thì nói thế, không nói thách, nói quá lên, nên dù mua được hay chẳng mua được hàng, người bán, kẻ mua đều rất nhẹ nhàng, vui vẻ.
Chứng kiến cảnh từng đoàn người từ các bản làng xa xôi giáp biên của tỉnh Thanh Hóa và bên kia biên giới nước bạn Lào háo hức đổ về chợ mới thấy hết sức hút của phiên chợ Na Mèo.
Trong số những người tham gia chợ phiên, ngoài mục đích mua, bán, nhiều người đến với chợ như một thói quen khó bỏ, dù hàng hóa mang về có khi chỉ là một mớ rau, vài lạng thịt bò, hoặc một xâu chuột nướng.
Có lẽ vì thế, chẳng biết tự bao giờ chợ Na Mèo đã thực sự trở thành sợi dây gắn kết tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới hai huyện Quan Sơn-Viêng Xay.
Thượng tá Nguyễn Quang Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Na Mèo khẳng định, chợ Na Mèo là khu chợ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống của nhân dân cả hai bên biên giới Việt-Lào.
Đây là mạng lưới chủ yếu cung ứng hàng hoá tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân và cung ứng vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của địa phương.
Thông qua hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân hai bên biên giới đã làm thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, đời sống kinh tế và trình độ dân trí cũng được cải thiện từng bước.
Phiên chợ Na Mèo không chỉ là nơi mua, bán mà còn là nơi để hẹn hò gặp gỡ, kết bạn, tăng cường sự đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Lào.
Năm 2012, tại cửa khẩu Na Mèo có hơn 34.000 lượt người và gần 10.000 lượt phương tiện xuất nhập cảnh.
Hoạt động xuất nhập biên của cư dân hai bên biên giới Việt-Lào có khoảng 63.000 lượt người cùng trên 3.000 phương tiện qua lại trao đổi hàng hóa. Nhờ đó, chợ Na Mèo cũng ngày càng sầm uất, thu hút đông đảo người dân, tiểu thương đến giao thương, buôn bán...
Tới đây, Na Mèo sẽ còn sầm uất, nhộn nhịp hơn thế nữa bởi trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo thành trung tâm giao thương hàng hóa giữa Thanh Hóa với Lào, nhất là các tỉnh Bắc Lào và vùng phụ cận.
Cuối trưa, chợ đã vãn người, hầu như ai cũng vui mừng, hỉ hả vì đã mua bán xong xuôi, tích trữ đủ lương thực, thực phẩm cần thiết cho đến phiên chợ sau.
Phía hai bên cửa khẩu Na Mèo-Nậm Xôi lại nhộn nhịp trở lại, nhân dân và tiểu thương nước bạn đang khẩn trương làm thủ tục xuất cảnh để trở về nhà.
Phiên chợ kết thúc trong không khí vui vẻ, thoải mái, ấm áp tình đoàn kết./.
Chợ Na Mèo không chỉ là nơi mua, bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc anh em và nhân dân hai nước Việt-Lào. Có lẽ vì thế người dân nơi này còn gọi chợ bằng một cái tên khác: Chợ đoàn kết.
* Độc đáo chợ vùng biên Na Mèo
Nằm trên địa bàn xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa và chỉ cách cột mốc biên giới Việt Nam-Lào chừng 300m, mỗi tuần chợ Na Mèo chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng thứ Bảy.
Những phiên giáp Tết Nguyên đán, chợ Na Mèo thu hút một lượng người và hàng hóa lớn hơn nhiều so với các phiên trong năm.
Tờ mờ sáng, đồng bào các dân tộc Mông, Thái từ khắp các nẻo đường, các bản làng xa xôi như Mùa Xuân, Xía Nọi, bản Khà, Mường Mìn... vượt suối, băng dốc để xuống trung tâm bản Na Mèo cho kịp phiên chợ.
Góp mặt tại phiên đầu năm còn có cả những tiểu thương từ trung tâm huyện Quan Sơn hoặc từ thành phố Thanh Hóa lên thu gom nông sản vùng cao như măng khô, hạt bầu, khoai sọ... về cung cấp cho thị trường Tết dưới xuôi.
Mỗi thứ Bảy đến, Na Mèo như nàng công chúa đang ngủ say, chợt tỉnh giấc giữa ồn ào, nhộn nhịp, khác hẳn nhịp sống hàng ngày.
Theo chân các chiến sỹ biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Quốc tế Nậm Xôi (thuộc tỉnh Hủa Phăn, Lào), lúc này, cửa khẩu hai bên chưa mở cửa nhưng bà con nhân dân, tiểu thương nước bạn Lào đã tề tựu khá đông.
Tâm sự với chúng tôi, chị Lò Y Van, đến từ huyện Viêng - Xay, tỉnh Hủa Phăn đã phải thức dậy từ 3 rưỡi sáng, vượt quãng đường hơn 20km để kịp đến chợ phiên Na Mèo.
Vẻ chất phác, kham khổ và nụ cười bẽn lẽn trên môi người phụ nữ Lào này như làm ấm lại cái lạnh cắt da cắt thịt của buổi sáng mùa đông nơi rẻo cao.
Hàng hóa chị mang sang chợ là rau, củ vườn nhà với hy vọng sẽ bán được giá để có thêm tiền mua thêm quần áo mới, sách vở, đồ sinh hoạt cho gia đình.
Đến giờ cửa khẩu Na Mèo-Nậm Xôi mở ra cũng là lúc bà con nhân dân, tiểu thương từ nước bạn Lào nhanh chóng làm các thủ tục thông quan để sang Na Mèo kịp tìm vị trí tốt trong phiên chợ.
Nét đặc trưng nhất ở chợ Na Mèo chính là các sản vật địa phương được nhân dân Lào-Việt mang đến chợ để trao đổi, bày bán như: chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng, nhím, dúi, cá suối nướng, vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, chiếu, dưa chuột Lào, măng rừng, rau, cơm nắm, thịt bò... (của người Lào) và các mặt hàng gia dụng, giày dép, quần áo, xà phòng, cá biển, cơm nếp... (của người Việt).
Đến phiên chợ Na Mèo những ngày giáp Tết này, một sản vật rất thịnh hành ở đây chính là quả cọ rừng. Quả cọ có vị bùi, hơi ngậy, là món ăn hấp dẫn của người dân bản địa cũng như của nhiều khách du lịch mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.
Nhiều người dân địa phương đã có thu nhập đến cả chục triệu đồng sau mỗi mùa cọ chín.
* Phiên chợ của tình đoàn kết
Chợ Na Mèo ra đời từ cuối năm 1989, ban đầu chỉ là 1 khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc Thái, xã Na Mèo.
Mãi đến năm 1999, khi chợ được nâng cấp, xây dựng thành khu chợ kiên cố, sạch sẽ và đến năm 2004, Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế thì chợ Na Mèo ngày càng nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú hơn, lượng người giao thương cũng ngày một nhiều hơn.
Trong phiên chợ Na Mèo, có hai loại tiền đồng thời cùng được lưu hành là tiền Việt Nam đồng và tiền Kíp Lào.
Người Việt, người Lào đi chợ, có thể không biết tiếng của nhau, nhưng ai cũng có thể mua hàng hóa mình cần, vì chỉ cần ra dấu hiệu là muốn mua mặt hàng này, thì ngay lập tức, người bán sẽ giơ ngón tay để ra giá của sản phẩm. Tại chợ Na Mèo, không có việc mặc cả, trả giá.
Dù mỗi tuần chỉ họp có một phiên nhưng không hề thấy ở nơi này sự xô bồ, chen lấn. Thuận mua, vừa bán, bán giá nào thì nói thế, không nói thách, nói quá lên, nên dù mua được hay chẳng mua được hàng, người bán, kẻ mua đều rất nhẹ nhàng, vui vẻ.
Chứng kiến cảnh từng đoàn người từ các bản làng xa xôi giáp biên của tỉnh Thanh Hóa và bên kia biên giới nước bạn Lào háo hức đổ về chợ mới thấy hết sức hút của phiên chợ Na Mèo.
Trong số những người tham gia chợ phiên, ngoài mục đích mua, bán, nhiều người đến với chợ như một thói quen khó bỏ, dù hàng hóa mang về có khi chỉ là một mớ rau, vài lạng thịt bò, hoặc một xâu chuột nướng.
Có lẽ vì thế, chẳng biết tự bao giờ chợ Na Mèo đã thực sự trở thành sợi dây gắn kết tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới hai huyện Quan Sơn-Viêng Xay.
Thượng tá Nguyễn Quang Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Na Mèo khẳng định, chợ Na Mèo là khu chợ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống của nhân dân cả hai bên biên giới Việt-Lào.
Đây là mạng lưới chủ yếu cung ứng hàng hoá tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân và cung ứng vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của địa phương.
Thông qua hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân hai bên biên giới đã làm thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, đời sống kinh tế và trình độ dân trí cũng được cải thiện từng bước.
Phiên chợ Na Mèo không chỉ là nơi mua, bán mà còn là nơi để hẹn hò gặp gỡ, kết bạn, tăng cường sự đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Lào.
Năm 2012, tại cửa khẩu Na Mèo có hơn 34.000 lượt người và gần 10.000 lượt phương tiện xuất nhập cảnh.
Hoạt động xuất nhập biên của cư dân hai bên biên giới Việt-Lào có khoảng 63.000 lượt người cùng trên 3.000 phương tiện qua lại trao đổi hàng hóa. Nhờ đó, chợ Na Mèo cũng ngày càng sầm uất, thu hút đông đảo người dân, tiểu thương đến giao thương, buôn bán...
Tới đây, Na Mèo sẽ còn sầm uất, nhộn nhịp hơn thế nữa bởi trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo thành trung tâm giao thương hàng hóa giữa Thanh Hóa với Lào, nhất là các tỉnh Bắc Lào và vùng phụ cận.
Cuối trưa, chợ đã vãn người, hầu như ai cũng vui mừng, hỉ hả vì đã mua bán xong xuôi, tích trữ đủ lương thực, thực phẩm cần thiết cho đến phiên chợ sau.
Phía hai bên cửa khẩu Na Mèo-Nậm Xôi lại nhộn nhịp trở lại, nhân dân và tiểu thương nước bạn đang khẩn trương làm thủ tục xuất cảnh để trở về nhà.
Phiên chợ kết thúc trong không khí vui vẻ, thoải mái, ấm áp tình đoàn kết./.
Hoa Mai (TTXVN)