Độc đáo những nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình

Tế cửu khúc là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội.
Độc đáo những nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình ảnh 1Các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống diễn ra vào tháng Ba âm lịch hàng năm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để tưởng niệm các Vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành cùng nhiều anh hùng dân tộc.

Trải qua lịch sử dài hơn 1.055 năm, Lễ hội Hoa Lư đến nay vẫn mang những giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử với các nghi lễ, nghi thức truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam.

Lễ hội có niên đại lịch sử lâu đời nhất Việt Nam

Lễ hội Hoa Lư (còn được gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau) là một trong những lễ hội có niên đại lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Lễ hội phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Lê, Lý.

Lễ hội xưa được các vương triều phong kiến tổ chức trang trọng ở cấp Nhà nước. Hiện nay, lễ hội vẫn có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.

Lễ hội Hoa Lư năm 2023 được tổ chức gắn liền với kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt diễn ra trong 3 ngày (từ 28-30/4).

Lễ hội gồm phần lễ và hội, trong đó phần lễ bao gồm những nghi lễ mang đậm nét văn hóa độc đáo của dân tộc như lễ mở cửa đền; lễ rước nước; lễ mộc dục; lễ dâng hương; lễ tiến phẩm; lễ rước kiệu; tế cửu khúc; tế lễ cổ truyền của các đoàn nam quan, nữ quan, đồng quan; lễ cầu quốc thái dân an và lễ hội hoa đăng; lễ tạ. Đó là những giá trị truyền thống được người dân Hoa Lư giữ gìn và duy trì đến ngày nay. 

Phần lễ được mở đầu bằng lễ mở cửa đền trước ngày diễn ra lễ hội 1 ngày. Phần lễ mở cửa đền được diễn ra ở 2 đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành; đồng thời lễ xin thần linh và hai vị Vua phù hộ cho lễ hội. Những người thực hiện nghi lễ này đều là các bậc trưởng lão của làng, am hiểu về lễ tế. Khi tế lễ trang phục cũng chỉn chu quần trắng, áo the, khăn xếp. Cái tên lễ mộc dục được gọi cho phần lễ tắm tượng thần.

[Infographics] Lễ hội Hoa Lư: Nét văn hóa đặc sắc nơi Cố đô

Lễ này thường được tiến hành vào nửa đêm trước ngày khai hội. Sau khi làm lễ cáo thần, người dân thực hiện việc tắm tượng. Lễ mộc dục chuẩn bị đầy đủ áo, mũ cho các tượng thần để chuẩn bị cho đám rước thần vào ngày khai hội.

Lễ rước nước diễn ra vào sáng 8/3 âm lịch, là nghi lễ mở đầu cho ngày khai hội. Hoạt động rước nước có sự góp mặt của nhiều người dân tham gia, cùng hướng về nguồn cội dân tộc. Đây được xem là hoạt động quan trọng và ý nghĩa nhất.

Nghi lễ rước nước được bắt đầu từ 5 giờ sáng. Đoàn rước nước được khởi hành từ Đền thờ Vua Đinh, sau đó tiến về phía bến sông Hoàng Long.

Đội hình rước nước gồm: đội lân, rồng đi trước, tiếp đó là đoàn người gồm nam thanh, nữ tú trong trang phục truyền thống cầm cờ đi theo 2 hàng. Đoàn rước nước gồm cỗ kiệu lớn đi đầu được khiêng bởi 8 thanh niên khỏe mạnh trong trang phục truyền thống. Trên kiệu là hương án, đặt một chiếc bình sứ để đựng nước thiêng, tiếp sau là các kiệu con cùng các bô lão, là người dân địa phương trong trang phục truyền thống.

Đến bến sông Hoàng Long, đoàn xuống thuyền ra cây nêu giữa dòng lấy nước để rước về đền. Nước được đưa vào nội cung để bao sái tượng thờ và thần vị.

Độc đáo những nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình ảnh 2Các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Rước nước là nghi thức đặc biệt ý nghĩa gợi nhớ đến tích rồng vàng xuất hiện trên sông, đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông, cứu vua thuở sinh thời. Sau khi lên ngôi hoàng đế, nhớ ân nghĩa Rồng vàng, hàng năm Vua Đinh xin rước nước từ dòng sông linh thiêng về tế ở Thái miếu, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống muôn dân no đủ, đồng thời thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Hàng nghìn năm nay, nghi lễ rước nước truyền thống vẫn được gìn giữ và lưu truyền bởi hậu thế.

Ngoài ra, các nghi lễ khác như: lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu, lễ hội hoa đăng đều diễn ra với không gian trang trọng, thể hiện tấm lòng biết ơn, tưởng niệm của nhân dân.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Hoa Lư

Theo các bậc cao niên xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Danh hiệu đó đồng nghĩa việc nhấn mạnh các thành tố văn hóa thuộc về lễ hội đã hàm chứa trong nó các giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, được người dân nơi đây lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Điểm dễ nhận ra trong đặc tính cộng đồng của các giá trị trên là bất cứ sinh hoạt văn hóa nào của Lễ hội Hoa Lư đều có sự tham gia của người dân. Từ các màn tế lễ (gồm nam, nữ) đều do các bậc phụ lão, các bậc cao niên thực hiện.

Việc tế lễ bao giờ cũng có đội tế, có phường bát âm, có sự chứng giám của các bô lão, cộng đồng dân cư địa phương. Các thành tố văn hóa trên dù biểu hiện trong phần lễ hay phần hội thì có một điểm chung là được lưu giữ, phát triển nhờ cộng đồng.

Qua thời gian, có nhiều yếu tố được người dân sàng lọc, phát triển, cải biên cho phù hợp với bối cảnh thực tế, nhưng cái hồn cốt, cái lõi truyền thống về cơ bản vẫn được bảo lưu.

Năm nay kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư có ý nghĩa to lớn đối với người dân nơi đây. Lễ hội không chỉ thể hiện lòng thành kính với các bậc tiên đế mà còn mong muốn gìn giữ, trao truyền và nhân lên giá trị văn hóa của mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư Đinh Thị Thư cho biết nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Hoa Lư, những năm qua, ngành văn hóa địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lưu giữ trọn vẹn các nét đẹp truyền thống trong lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc.

Đặc biệt, một số nghi lễ được phục dựng như: tế cửu khúc từng có một thời gian thất truyền và có nhiều dị bản. Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt kịch bản Lễ hội Hoa Lư, đưa nghi lễ tế cửu khúc là một trong những nghi lễ chính của lễ hội, đem lại sự hồi sinh của nghi lễ này.

Ngày nay, tế cửu khúc là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội Hoa Lư, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội.

Độc đáo những nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình ảnh 3Các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, trải qua thời gian, Lễ hội Hoa Lư trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân, làm cho giá trị của Nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian và lịch sử.

Tổ chức kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023 là dịp để Ninh Bình và cả nước ôn lại truyền thống anh hùng của dân tộc; tôn vinh vai trò, giá trị to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử; thể hiện sức mạnh của ý chí độc lập, tự chủ, thống nhất và khát vọng hòa bình của dân tộc.

Người dân nơi đây tưởng nhớ và tri ân công đức của Đinh Tiên Hoàng Đế và các vị tiên đế, tiền nhân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; tôn vinh di sản văn hóa và thiên nhiên với các giá trị nhân văn, thuận thiên, bao trùm và bền vững.

Về dự chương trình kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Ninh Bình cần xác định phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo, lợi thế của địa phương; giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cần khẩn trương tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách, chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục