Độc đáo nghi lễ cúng mưa cầu mùa của người Jrai ở Gia Lai

Nghi thức cúng mưa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được bà con gìn giữ, là hoạt động tín ngưỡng lâu đời, mang giá trị tinh thần to lớn trong đời sống người Jrai.
Hội đồng già làng bước lên nhà rông chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Bắt đầu bước vào vụ gieo trồng mới, bà con làng O Pếch (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại tổ chức Lễ cúng cầu mưa ngay tại nhà rông của làng.

Nghi thức cúng tế ấy đã được bà con gìn giữ và duy trì nhiều năm liền, là hoạt động tín ngưỡng lâu đời, mang giá trị tinh thần to lớn trong đời sống người Jrai.

Giữa tiết trời nắng hạn, bà con dân làng O Pếch hối hả chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa của làng. Dưới bóng cây gạo, quanh ngôi nhà rông của buôn làng, từng tốp người chia nhau phụ trách từng công đoạn cho lễ cúng.

Phụ nữ trong làng được tập hợp, chia tổ chuẩn bị cho công tác nấu nướng. Thanh niên có nhiệm vụ đi chặt tre nứa, lồ ô, đi suối mò ốc, bắt cá, phụ giúp già làng những công việc nặng cho lễ cúng của làng. Ai ai cũng đều được tham gia trong lễ cúng của làng nên rất hồ hởi, hăng hái.

Già Rơ Lan Li - chủ tế của lễ cúng đi ra đi vào kiểm tra, đôn đốc các khâu chuẩn bị. Từ sớm, già đã đóng khố, khoác chiếc áo thổ cẩm truyền thống và quấn chiếc khăn đỏ trên đầu. Lễ cúng quan trọng của làng nên già lo lắm dù năm nào già cũng được dân làng tin tưởng phụ trách khâu cúng bái. Những già làng khác cũng nhanh chóng thay trang phục.

“Năm nào làng chúng tôi cũng cúng cầu mưa. Thường vào tháng 4, tháng 5 hàng năm. Cúng để cầu xin Yang ban cho mưa thuận gió hòa, cho cây cối, đất đai mát mẻ, tươi tốt, cầu cho bà con dân làng khỏe mạnh, ấm no”- già Rơ Lan Li cho biết.

[Yên Bái: Độc đáo lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở Viễn Sơn]

Đúng 10 giờ, 3 già làng bưng mâm lễ vật gồm một con gà đã được nướng chín, nhúm gạo, muối đặt trên lá chuối lên nhà rông. Bên trong góc nhà rông đã đặt sẵn một ghè rượu. Khẽ đặt mâm cúng xuống, già Li lầm rầm đọc bài khấn báo cho thần linh hôm nay làng O Pếch cầu mưa, dâng lễ vật tạ Yang.

Mong Yang cho bà con một năm làm ăn, sản xuất thuận lợi, người người đều khỏe mạnh, không ai đau ốm. Xong đâu đó, già Li dùng một chiếc lá vẩy nhẹ rượu từ chiếc ghè ra sàn. Lễ cúng kết thúc với bài khấn cảm tạ của già Li trước cửa nhà rông.

Lần đầu tiên được phụ giúp hội đồng già làng chuẩn bị lễ cúng, anh Ksor Aih vui lắm, lăng xăng chạy hết đầu này sang đầu kia để kiểm tra mọi việc. Anh Aih chia sẻ: “Mấy ngày trước, mình cùng thanh niên trong làng đã đi chặt tre, lồ ô về để làm cơm lam, chặt củi cho chị em nấu nướng, rồi đi bắt ốc suối. Được theo các già làng chuẩn bị cho cúng cầu mưa mình học được rất nhiều. Sau này khi các già không còn nữa thì thanh niên trong làng sẽ tiếp tục gìn giữ và tổ chức lễ cúng ý nghĩa này.”

Lễ cúng cầu mưa năm nay của làng O Pếch được sự quan tâm, hỗ trợ phục dựng của Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai và Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San.

Ông Đỗ Văn Đông - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai cho biết khi biết Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San có hoạt động phục dựng các nghi lễ truyền thống của người dân tộc thiểu số chúng tôi rất đồng tình ủng hộ.

Bà con xã Ia Pếch nói chung, làng O Pếch nói riêng từ bao lâu nay vẫn gìn giữ nhiều lễ cúng truyền thống gắn liền với đời sống tín ngưỡng như cúng giọt nước, cúng rừng, cầu mưa…

"Đây là dịp để khơi dậy tình yêu, sự gắn kết trong cộng đồng, đồng thời bà con được quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với mọi người," ông Đỗ Văn Đông nhấn mạnh./.

Hội đồng già làng bước lên nhà rông chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Phụ nữ trong làng O Pếch chuẩn bị các món ăn cho lễ cúng cầu mưa. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Già làng Rơ Lan Li - chủ tế thực hiện nghi thức của Lễ cầu mưa. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Sau lễ cúng, các thực khách cùng dân làng vui lễ rượu cần mừng cho một vụ mùa mới tốt tươi. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Sau lễ cúng, các thực khách cùng dân làng vui lễ rượu cần mừng cho một vụ mùa mới tốt tươi. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục