Độc đáo nghề “tước đoạt bảo bối” trâu bò, lợn con ở Cao Bằng

Từ lâu, việc tước đoạt “bảo bối” trâu, bò, lợn con đã trở thành cái nghề “hót” thường xuất hiện trong những buổi chợ phiên của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các huyện vùng cao tỉnh Cao Bằng.
Ông Mông Văn Sau đang trau chuốt đồ nghề hoạn trâu, bò. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ lâu, việc tước đoạt “bảo bối” trâu, bò, lợn con đã trở thành cái nghề “hót” thường xuất hiện trong những buổi chợ phiên của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các huyện vùng cao tỉnh Cao Bằng. Và, cũng nhờ nghề “cướp ngọc” này, hàng ngàn con trâu, bò, lợn con sau khi qua tay những ông thợ hoạn đã trở nên béo tốt.


Những người “cướp ngọc” ở vùng cao

Những ngày cuối năm, đến xóm Lũng Ọ (xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên), ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm dưới những dãy núi cao chót vót, hỏi thăm ông Mông Văn Sau, một trong những người đã gắn bó gần nửa thế kỷ với nghề "tước đoạt bảo bối" trâu, bò, dường như ai cũng biết.

Ông Sau là người duy nhất vẫn còn gắn bói với nghề “tước đoạt bảo bối” trâu, bò hiện nay ở xóm Lũng Ọ. Năm nay đã ở tuổi 75, sức khỏe cụ đã yếu, đôi tay cũng không còn được nhanh nhẹn như trước, nhưng khi nhắc tới nghề hoạn trâu, bò, ông Sau vẫn hồ hởi chia sẻ với niềm tự hào.

“Tính ra, tôi đã làm nghề hoạn trâu, bò được 46 năm rồi đấy! May là, trong gần nửa đời người cầm dao kéo, hoạn hàng trăm con trâu, bò cho bà con, nhưng vẫn chưa có ca nào bị rủi ro. Cũng nhờ đó mà, dù sức khỏe đang ngày một yếu, nhưng bà con vẫn tin tưởng, tìm đến nhờ vả,” ông Sau phấn khởi nói.

Ông Sau cũng cho biết, hàng năm, cứ đến tháng 6, 7 âm lịch, cụ lại bắt đầu chuẩn bị đồ nghề gồm 3 đoạn dây thừng (mỗi đoạn dài 3m), búa và đinh được làm bằng gỗ nghiến rồi quang gánh bắt đầu một hành trình vượt núi “kiếm cơm” bằng nghệ hoạn “bảo bối” trâu, bò cho người dân trong vùng.

Trải qua nhiều năm kinh nghiệm, các công đoạn, quy trình hoạn trâu, bò đều được cụ Sau tiến hành rất thành thục. Theo nhẩm tính của ông Sau, sau hơn 40 năm hành nghề, đến nay cụ đã hoạn thành công cho trên dưới vài trăm con trâu, bò trong và ngoài huyện.

“Thông thường, để tiến hành hoạn một con trâu thì phải nhờ sự giúp sức của 7 người trong gia đình, họ hàng của chủ nhân con trâu đó. Tất cả dùng sức dùng dây thừng giật cho trâu, bò ngã chổng kềnh xuống đất. Sau đó, người cầm búa sẽ điều chỉnh lực đập búa xuống bộ phận sinh dục trâu, bò, rồi bôi thuốc lên vết thương cho tới lúc bảo bối con vật biến mất,” ông Sau chia sẻ.

Cũng như nghề hoạn trâu, bò, việc tước đoạt “bảo bối” lợn con cũng được xem như cái nghề “hái tiền” ở vùng cao của tỉnh Cao Bằng. Với thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề, ông Mông Văn Tích (52 tuổi) ở xóm Bản Khuông, (xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh) có thể “hô biến” lợn con thành “lợn thái giám” chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 phút.

Ông Tích kể, hồi nhỏ, ông đã theo cha học nghề hoạn lợn tại các buổi chợ phiên trong tỉnh. Sau một thời gian “học nghề,” cha ông bắt đầu cho con trai thực hành hoạn để quen tay. Tuy nhiên, cái giá của những bài học đầu tiên là một số con lợn đã phải lăn quay ra chết vì sai sót trong kỹ thuật hoạn.

“Những lúc như vậy, nói thật lòng là cũng chán, bởi đã có không ít lần tôi ý định bỏ cuộc, nhưng rồi cha động viên nên cứ thế theo,” ông tâm sự. Cứ thế, không bõ công người cha truyền lửa nghề, và nhờ kiên trì nên không ít lâu ông Tích cũng thành thạo và được nhiều người biết đến.

Ông Mông Văn Tích đang tiến hành hoạn lợn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kiếm bộn tiền từ nghề hoạn trâu bò, lợn con

Theo kinh nghiệm của ông Mông Văn Sau, vào dịp cuối năm này, trâu, bò không phải cày kéo nhiều nên khi “tước đoạt bảo bối” sẽ đảm bảo được độ an toàn cao, con nào sau khi hoạn cũng trở nên béo tốt. Nhờ đó, người làm nghề cũng có thêm cơ hội để kiếm thu nhập.

“Trung bình giá hoạn trâu, tôi lấy 400 nghìn đồng/con. Còn bò thì lấy ít hơn 50 nghìn đồng bởi vì dễ hoạn hơn. Nghe số tiền này nhiều người sẽ nghĩ là đắt, nhưng nếu hoạn mà con vật nó chết thì mình lại phải đền cả chục triệu chứ không phải ít.

Còn xét về mặt kinh tế thì một con trâu, bò trị giá đôi chục triệu, người dân chỉ cần bỏ ra mấy trăm nghìn đồng để giúp nó béo tốt, cày giỏi, dễ thuần phục, tính ra họ cũng không thiệt đâu, thậm chí còn được lợi nhiều mà,” ông Sau phân tích.

Cùng làm nghệ hoạn “bảo bối” vật nuôi, ông Mông Văn Tích, một tay hành nghề hoạn lợn ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh cho biết, những năm gần đây, nhu cầu hoạn lợn của người dân nơi đây rất nhiều, bởi vì theo kinh nghiệm nếu cứ để lợn phát triển tự nhiên thì khi đến độ trưởng thành chúng sẽ chậm lớn và quậy phá chuồng trại, nhất là lợn cái khi đến thời kỳ phát dục.

“Vì thế, ngoài những ngày chợ, nhiều khách hàng còn gọi điện đến nhờ tôi đi hoạn lợn tại nhà. Tính ra số tiền kiếm được từ nghề này cũng kha khá đấy, không uổng công sức bỏ ra,” ông Tích sởi lởi nói.

Người đàn ông có thâm niên hơn 10 năm làm nghề hoạn lợn này cũng cho biết, vào các ngày chợ phiên (họp 5 ngày/lần), ông đều mang theo đầy đủ đồ nghề gồm kim chỉ, kéo, bột thuốc sát trùng và một con dao nhỏ đến đầu chợ. Theo đó, mỗi con lợn đực được hoạn có giá 15 nghìn đồng, lợn cái 20 nghìn đồng. Cứ thế, sau mỗi phiên chợ, ông Tích cũng thu được trên 250 nghìn đồng.

Nói về nghề tước đoạt bảo bối con vật, anh Trương Văn Hiếu, Cán bộ Thú y huyện Trùng Khánh cho biết, hoạn trâu bò, lợn con đòi hỏi người làm nghề cần phải có kỹ năng và đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu và thực hành. Việc này tuy khó, nhưng hiện giờ trên địa bàn đã có một số người hành nghề rất tốt.

Anh Hiền cũng cho biết, trước đây, người dân trong vùng có nhu cầu hoạn trâu, bò, lợn con thường tìm đến các cán bộ thú y giúp đỡ, thế nhưng do công việc bận rộn nên các anh cũng không thể đáp ứng được hết tất cả. “Vì vậy, việc người dân tự học kinh nghiệm rồi gắn bó với nghề hoạn “ bảo bối” trâu, bò, lợn con là rất đáng ghi nhận,” anh Hiếu chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục