Sau nhiều thăng trầm lịch sử bị gián đoạn, từ năm 2001 đến nay, lễ hội Kén rể ở Đường Yên, Đông Anh, Hà Nội được tổ chức vào 2/2 âm lịch hàng năm với những phần thi độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Lễ hội có mục đích tưởng nhớ và suy tôn nữ danh tướng Lê Hoa. Tương truyền, tướng Lê Hoa có công đánh giặc dưới thời Hai Bà Trưng. Sau đó, bà được phong tước và đóng bản doanh tại làng Đường Yên. Người dân quen gọi bà bằng tên “Thánh nữ” hay “Mẫu bà.” Lễ hội Kén rể cũng bắt nguồn từ đó.
Để chuẩn bị cho lễ hội, cả trăm nghệ nhân là người làng phải tập luyện suốt một tháng. Trong đó, những người đóng giả hai chàng trai đến kén rể và nữ tướng Lê Hoa phải được tuyển chọn theo những yêu cầu riêng biệt.
Ông Nguyễn Minh Tự, thành viên ban tổ chức cho biết: “Họ phải là những nam thanh nữ tú xuất thân từ gia đình văn hóa trong làng. Người đóng vai ‘Mẫu bà’ phải có học vấn, mang dáng dấp thanh cao, độ tuổi thích hợp nhất là từ 16 tuổi đến 18 tuổi.”
Sau màn múa cờ và múa trống công phu, các chàng trai đến kén rể chính thức bước vào 5 phần thi: Thi văn bằng hình thức đối đáp, thi cày, câu ếch, bắt chạch trong chum và chọc chó.
Không chỉ nhằm mục đích thử thách để tìm ra người tài giỏi kết hôn cùng nữ tướng Lê Hoa, mỗi phần thi còn có ý nghĩa biểu tượng riêng tạo nên nét đẹp và độc đáo cho lễ hội.
Các phần thi tượng trưng cho học thức, thực tế, và tâm linh trong cuộc sống của người dân. Do đó người đến kén rể phải thi văn chương đầu tiên. Hai “thí sinh” phải phê bình nhau, chỉ ra khuyết điểm của đối phương bằng thơ. Qua đó, người xưa mong muốn trong năm mới mọi người sẽ cùng nhìn lại những điều hay của bản thân để thay đổi và thành công hơn.
Ông Tự chia sẻ: “Thi cày, câu ếch, bắt trạch gợi nhớ lại hình ảnh người nông dân gắn bó với đồng ruộng, bắt ếch, trạch ăn để sinh sống. Còn ở phần thi chọc chó, người ta tin rằng, do chó và giềng là hai thứ kỵ nhau, nếu chọc cây giềng mà chó phát ra tiếng kêu thì năm đó dù nhọc nhằn, cơ cực thế nào thì cuối cùng vẫn thu được mùa màng bội thu.”
Lễ hội bị thất truyền đến 60 năm khiến cho việc tiếp nối, bảo tồn và phát huy truyền thống của người dân trong làng gặp không ít khó khăn. “Văn hóa truyền miệng từ khi xưa khiến câu văn lời thoại trong ngày hội truyền đạt lại không được đồng nhất,” ông Tự nói.
Do vậy, thế hệ trẻ trong làng phải tìm đến những người già đã từng tham gia lễ hội xưa, mong họ truyền lại những nghi thức lễ hội Kén rể xưa, sau đó ghi chép lại thành kịch bản chung.
Đến nay, mặc dù nội dung lễ hội cũng đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với đời sống mới, nhưng những giá trị cốt lõi vẫn tiếp tục được lưu giữ.
Theo ông Tự: “Thực chất, lễ hội không phải kén rể cho ‘Thánh bà’ mà để ghép đôi cho các binh lính trong quân đội. Nữ tướng hy vọng họ sau khi chinh chiến có thể nên vợ nên chồng, tiếp tục xây dựng gia đình, cùng nhau làm ăn để có cuộc sống no ấm hạnh phúc. Cày cấy lấy lương thực để phòng ngừa quân địch quay trở lại. Nhưng do nhiều điều kiện khách quan, chỉ có thể tái hiện một phần lễ hội nên dân làng ngày nay lấy hình tượng ‘Thánh bà’ làm tượng trưng để kén rể.”
Vượt qua 4 vòng thi, ban tổ chức hội Kén rể 2017 đã tìm được chàng rể xứng đáng Nguyễn Hữu Đạt, 16 tuổi, người con của làng Đường Yên.
“Phu nhân” của Đạt là Đào Thị Vân Anh, người đóng vai nữ tướng năm nay chia sẻ: “Mình cảm thấy vô cùng tự hào khi được đóng vai vị nữ tướng nổi tiếng của dân làng. Dù bận việc học ở trường nhưng mình vẫn cố gắng để học thuộc lời thoại, cách đi đứng, cử chỉ sao cho phù hợp. Hy vọng trong tương lai, nhiều người sẽ biết đến lễ hội nơi mình sinh sống.”