Độc đáo lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô là hoạt động đua thuyền cực kỳ hiếm hoi còn lưu giữ trên địa bàn Tây Nguyên, bởi những chiếc thuyền đua này được tạo ra từ thân của một cây gỗ nguyên khối.
Các đội thi tranh tài trong những nội dung đua thuyền độc mộc. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngày 6/11, bên dòng sông Pô Cô (làng Dăng, thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai), Ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô lần thứ 3 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng năm 2022 đã trao 78 giải cho các đội thi có thành tích cao lễ hội đua thuyền và liên hoan văn hóa Cồng chiêng.

Đây là hoạt động nhằm giữ gìn văn hóa bản địa và tưởng nhớ vị anh hùng A Sanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã dùng con thuyền độc mộc của mình để chở bộ đội, vật tư...

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô lần thứ 3 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng năm 2022 do Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai tổ chức thu hút hàng nghìn du khách tham dự với sự tham gia của 30 đội đua đến từ 13 xã trên địa bàn huyện tham gia.

[Quảng bá văn hóa của người M’Nông gắn với thuyền độc mộc]

Để chiến thắng và về đích trong cuộc thi, các đội phải chèo thuyền vượt 1.400m trên sông Pô Cô.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô là hoạt động đua thuyền độc mộc cực kỳ hiếm hoi còn lưu giữ trên địa bàn Tây Nguyên, bởi những chiếc thuyền đua này là thuyền được tạo ra từ thân của một cây gỗ nguyên khối, gọi là thuyền độc mộc.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô được tổ chức nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của cư dân sống lâu đời trên địa bàn huyện.

Trong kháng chiến, những chiếc thuyền độc mộc đã trở thành phương tiện vận chuyển lương thực, đưa hàng ngàn bộ đội ta cùng vũ khí đạn dược qua sông đánh giặc, góp phần làm lên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mà anh hùng A Sanh là tiêu biểu cho ý chí quật cường, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc huyện Ia Grai.

Ngoài ra, ngày nay, những chiếc thuyền độc mộc vẫn được người dân dùng làm phương tiện đi lại và đánh bắt thủy sản trên sông.

Liên hoan văn hóa cồng chiêng tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô là một hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc bản địa. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ 3 và Liên hoan Văn hóa công chiêng là dịp để huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa những điểm du lịch đẹp như làng chài, thác Mơ, bến đò A Sanh, khu di tích chiến thắng Chư Nghé, thác 9 tầng, thác 3 tầng…

Du khách Nguyễn Thanh Bình, huyện Chư Sê (Gia Lai) cho hay: "Đây là lần thứ 3, tôi đến xem hội đua thuyền độc mộc. Nhân dịp cuối tuần, tôi đã đưa gia đình đến xem đua thuyền để các con hiểu hơn về lịch sử của cha ông, đã góp phần giữ gìn mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn như thế nào. Sau khi xem đua thuyền, gia đình tôi sẽ đi thác chơi luôn vì các dòng thác tại huyện Ia Grai mùa này đang rất đẹp..."

Ngày nay, dòng sông Pô Cô huyền thoại đã trở thành dòng sông năng lượng với nhiều thủy điện như Sê San 4, Sê San 4A, Sê San 3A... đang hoạt động.

Không chỉ cung cấp nguồn năng lượng thủy điện lớn cho đất nước mà sông Pô Kô còn tạo ra khu vực lòng hồ rộng lớn bao la để đầu tư nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày 5 và 6/11, thu hút khoảng 13.000 lượt khách du lịch tham gia lễ hội, tăng 3.000 lượt so với năm đầu tiên tổ chức.

Diễn ra đồng thời với nội dung đua thuyền là Liên hoan văn hóa Cồng chiêng và thi tạc tượng gỗ dân gian với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân đến từ 13/13 xã của huyện Ia Grai.

Ông Rơ Lan Huân, làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho hay, ông và bà con dân làng Nú rất vui mừng, phấn khởi khi những năm gần đây huyện Ia Grai tổ chức hội đua thuyền và Lễ hội Cồng chiêng.

Đây là dịp bà con ôn lại văn hóa bản sắc dân tộc Jrai muôn đời anh hùng, bất khuất đồng thời cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn, có cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục