Độc đáo lễ hội đặc trưng vùng sông nước miền Tây Nam Bộ

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và niềm tự hào dân tộc đến với mỗi người dân miền Tây Nam Bộ.
Độc đáo lễ hội đặc trưng vùng sông nước miền Tây Nam Bộ ảnh 1Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 155 năm Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2023), tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức đón nhận Bằng Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia với Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực ở thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).

Đây là lễ hội độc đáo, đặc trưng nơi vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Trước đó, ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang - lễ hội truyền thống kỷ niệm Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.

Tấm gương “Trung-dũng-hiếu-nghĩa” vẹn toàn

Trước đó, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực còn được người dân miền Tây Nam Bộ gọi là Lễ hội đình Ông Nguyễn, giỗ Ông Nguyễn, giỗ Cụ Nguyễn…

Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật Nguyễn Văn Lịch (Quản Chơn) sinh năm 1838 tại Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ngày nay), nguyên quán tỉnh Bình Định.

Trong kháng Pháp những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Nguyễn Trung Trực cùng với nghĩa quân đã gây cho kẻ địch nhiều tổn thất nặng nề. Tiêu biểu là trận chiến hỏa công đốt cháy tàu Hy vọng (L’Espérance ) tại vàm Nhựt Tảo (Long An); Chiến thắng diệt đồn Kiên Giang, tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn, làm chủ tỉnh lỵ trong 10 ngày.

Quân Pháp đã dồn toàn lực tiêu diệt nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, nhằm dập tắt tinh thần kháng chiến của nghĩa quân miền Tây Nam Bộ. Quân địch bắt được ông, đưa về Sài Gòn thẩm vấn, dùng chức tước, tiền tài khuyến dụ nhưng bất thành.

Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá. Trước lúc hy sinh, cụ Nguyễn dõng dạc, bất khuất với câu nói khí phách, bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây.”

[Kiên Giang: Tri ân công lao của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực]

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị hành hình, để tưởng nhớ người anh hùng xả thân vì nước, người dân Rạch Giá thờ cúng ông tại Đình thần Nam Hải thuộc địa bàn phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

Năm 1891, Đình thần di dời về vị trí hiện nay thuộc phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, người dân tổ chức lễ cúng giỗ ông tại đình vào 3 ngày, từ 26-28/8 âm lịch hàng năm.

Ngày giỗ ông trở thành một lễ hội có quy mô lớn nhất, nhì nơi vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, với hơn 1 triệu khách hành hương về dâng hương, tưởng niệm, tri ân công đức “Cụ Nguyễn.”

Ông Đặng Công Bình, Trưởng ban Bảo vệ Di tích Lịch sử Văn hóa mộ và Đình Nguyễn Trung Trực chia sẻ cụ Nguyễn được nhân dân tôn kính là người “Sinh vi tướng, tử vi thần,” một tấm gương trung -dũng-hiếu-nghĩa vẹn toàn để các thế hệ sau noi theo. Năm 1986, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi vận động tôn tạo, tu bổ lại khu vực mộ và Đình thần Nguyễn Trung Trực.

Ngày 23/3/1988, Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận “Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực” là Di tích cấp Quốc gia. Sau khi được xếp hạng, Đình thần Nguyễn Trung Trực thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân.

Vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày hy sinh của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực, lễ hội được nâng lên thành lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Từ đó, lễ hội được tổ chức đều đặn, trở thành là ngày hội của cả vùng Nam Bộ, người dân từ nhiều tỉnh, thành phố về tham dự rất đông.

Độc đáo Lễ hội “Cụ Nguyễn”

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ca ngợi tôn vinh công lao và đức tài của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Độc đáo lễ hội đặc trưng vùng sông nước miền Tây Nam Bộ ảnh 2Lễ thỉnh sắc thần Nguyễn Trung Trực trên Đại lộ Nguyễn Trung Trực. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Lễ hội thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu chia sẻ đặc điểm riêng có của Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là tính kết nối cộng đồng thể hiện qua tinh thần tự giác thiện nguyện của người dân tham gia.

Qua đó, Lễ hội góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Lễ hội cũng trở thành biểu tượng tâm linh ca ngợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc Việt Nam ở vùng đất Tây Nam của Tổ quốc.

Từ năm 2006 đến nay, trừ những năm xuất hiện COVID-19, tỉnh Kiên Giang đều tổ chức chu đáo Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực.

Trước khi diễn ra Lễ hội, thành phố Rạch Giá chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường sạch đẹp, chú trọng an toàn thực phẩm, vận động người dân treo đèn lồng, kết hoa... làm rực rỡ thêm nét đẹp lễ hội.

Ban bảo vệ Di tích Lịch sử Văn hóa mộ và Đình Nguyễn Trung Trực thông báo đến người dân trong và ngoài tỉnh thiện nguyện tham gia đóng góp vật chất, ngày công phục vụ lễ hội.

Bà con từ khắp nơi tự nguyện gửi vật phẩm, tiền bạc, đăng ký làm công quả với sự thành tâm phục vụ “Cụ Nguyễn.” Hàng trăm người dân đến khuôn viên Đình thần Nguyễn Trung Trực dựng cổng chào, treo cờ, lọng, lồng đèn trang trí, dựng nhà tạm, trại võng để những người ở xa đến dự lễ hội nghỉ ngơi, dựng trại, làm vệ sinh, trang hoàng đình...

Khách hành hương đến Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực được tiếp đãi cơm chay, nước giải khát miễn phí. Người dân trong, ngoài tỉnh tự nguyện góp công, góp của, cùng nhau nấu ăn, làm lễ vật dâng cúng.

Người đến làm công quả phục vụ lễ hội từ 2.000-3.000 lượt người, phục vụ trung bình khoảng 1 triệu suất ăn miễn phí. Tất cả đều mang tính tự nguyện, qua đó thể hiện sự phóng khoáng, hòa đồng mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Ông Đặng Công Bình, Trưởng ban Bảo vệ Di tích Lịch sử Văn hóa mộ và Đình Nguyễn Trung Trực cho biết tại Lễ hội năm nay diễn ra các nghi lễ truyền thống gồm Thượng Đại kỳ, lễ phần hương, tế đàn cả, hậu phối, rước linh vị “Cụ Nguyễn”, đọc chúc văn.

Tiếp đến, là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội và đón nhận Bằng Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia, Đờn ca tài tử Nam Bộ, thi đấu Vovinam, Đêm hội Áo dài Việt Nam, Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long, trình diễn thư pháp, hội hoa đăng cầu quốc thái dân an, diễu hành xe hoa, hội chợ thương mại…

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực có ý nghĩa như cột mốc văn hóa, khẳng định lòng yêu nước, tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội gắn liền với di tích là những sản phẩm văn hóa truyền thống của nhân dân Kiên Giang nói riêng và là tài nguyên văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, thể hiện sự đa sắc tộc, đa tín ngưỡng và đa tôn giáo. Người tham dự dễ dàng tìm thấy sự hòa hợp, tình đoàn kết giữa các dân tộc Việt-Hoa -Khmer ở lễ hội.

Yếu tố văn hóa truyền thống yêu nước hòa quyện với yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian đã tạo nên sự đặc biệt của lễ hội, phù hợp với đặc tính văn hóa của đại đa số người dân lao động ở Nam Bộ, tác động đến đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sức thu hút mạnh mẽ của lễ hội.

Sự đặc biệt này đã tạo nên sức sống mãnh liệt và lan tỏa sâu rộng từ Đồng bằng sông Cửu Long ra khắp Nam Bộ, Trung Bộ và tác động đến miền Trung-Tây Nguyên.

Bên cạnh các giá trị về lịch sử và văn hóa, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực còn là tài nguyên nhân văn có giá trị rất lớn để khai thác phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thu hút du khách khắp nơi về tham dự; là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu được những công lao của tổ tiên trong quá trình dựng nước, giữ nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và càng thêm tự hào về quê hương đất nước Việt Nam.

Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực” có giá trị rất lớn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang và du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, địa phương nâng dần quy mô tổ chức, khai thác và phát huy giá trị to lớn của Lễ hội xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của tỉnh.

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và niềm tự hào dân tộc đến với mỗi người dân miền Tây Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam ở trong và ngoài nước nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục