Cột chỉ cổ tay

Độc đáo lễ cột chỉ tay của người dân tộc S’Tiêng

Lễ cột chỉ tay của người S’Tiêng thể hiện sự cam kết giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, thần linh.
Sáng đầu xuân Quý Tỵ ở vùng đất Bình Phước hơi se lạnh. Theo chân già làng Điểu Té ở ấp 9, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, Bình Phước đến dự một buổi lễ “Cột chỉ cổ tay” mới thấy hết được một nét đẹp văn hóa có từ bao đời nay của đồng bào dân tộc S’Tiêng nơi đây.

“Cột tay bà mụ” cho con khỏe mạnh

Mới sáng sớm mà nhà anh Điểu Quốc Phương 27 tuổi, ở ấp 9, xã Lộc Thuận đã chộn rộn, khác hẳn mọi ngày. Hôm nay, gia đình anh Phương làm lễ “cột tay bà mụ” (tiếng S’Tiêng đọc là cơ-ty-rờ-nhe) cho đứa con vừa tròn tháng tuổi. Với đồng bào dân tộc Kinh thì gọi đây là lễ “đầy tháng”.

Trong tiếng S’Tiêng, lễ cột chỉ tay có nơi đọc là cơ ty nhưng cũng có nơi đọc là toon ty, tùy theo âm điệu của mỗi vùng..

Ông Điểu Quốc Phòng là ông nội đứa bé đang "chỉ huy" các thanh niên trong gia đình mổ lợn, gà để nấu thức ăn. Ngoài sân, tiếng chày gạo vang lên đều đều. Trên bếp than hồng, thịt heo nướng đang tỏa mùi thơm ngát. Ông Phòng cho hay, việc giã gạo và nướng thịt để nấu “canh bồi”- món ăn truyền thống của người S’Tiêng.

Để nấu được món này, người ta cho ngọn (đọt) mây tươi thái nhỏ đã luộc sơ cho bớt đắng vào nồi nước sôi nấu chín, sau đó bỏ thịt nướng và gạo giã nhuyễn vào. “Canh bồi” khi dọn lên trông giống như một món súp sền sệt, có vị hơi đắng của đọt mây, vị ngọt của thịt nướng và đặc biệt là của lá Nhau - một loại lá rừng ở đây.

Do có vị rất ngọt nên lá Nhau được dùng như một thứ “bột ngọt” tự nhiên và với người S’Tiêng, canh bồi nếu thiếu lá Nhau thì chưa phải canh bồi. Trong nhà, bà Thị Bui là bà nội của đứa bé đang têm trầu sắp lên mâm để chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên.

Đối với người S’tiêng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng và trong một số nghi lễ, phụ nữ mới là người làm chủ, ví dụ như trong lễ lập làng mới, việc thắp lên ngọn lửa ở ngôi làng mới này phải do phụ nữ lớn tuổi đảm nhiệm. Trong lễ “cột tay bà mụ”, sau khi bày biện các món ăn ngon nhất dâng lên cúng thần linh và tổ tiên, sẽ đến phần lễ “cột chỉ cổ tay”. Một bó dây chỉ bằng sợi vải dệt thổ cẩm được nhúng sơ vào huyết gà được dọn ra.

Các thành viên trong gia đình, họ tộc đến dự lễ lấy dây chỉ nhúng vào huyết gà rồi cột vào cổ tay đứa trẻ vừa đầy tháng. Ông Điểu Quốc Phòng cho biết, buộc chỉ tay trong buổi lễ nói trên nhằm gửi gắm đứa trẻ cho “bà mụ”, là một vị thần trông nom, bảo vệ sức khỏe cho đứa bé theo quan niệm dân gian địa phương vùng đất Lộc Ninh, Bình Phước.

Việc cột chỉ tay còn như lời người thân trong gia đình cầu chúc sức khỏe cho đứa bé, đồng thời thể hiện sự yêu thương, gắn bó ruột thịt trong gia đình, dòng họ.

Sự cam kết không lời


Đến ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, già làng Điểu Khé, nguyên Bí thư xã Lộc An cho hay: “ Cột chỉ tay là nghi thức tâm linh. Mỗi khi con trẻ bị bệnh thì ông bà, cha mẹ đứa trẻ làm cơm canh cúng thần linh để làm lễ cột chỉ tay, cầu xin cho con mau lành bệnh và khỏe mạnh.

Ngoài ra, với người S’Tiêng, khi đứa trẻ tròn 13 tuổi thì gia đình cũng làm lễ cột chỉ tay “Cờ ty con” nhằm đánh dấu, chúc mừng một bước trưởng thành của đứa bé, đồng thời qua đó cầu xin thần linh ban ơn phù hộ cho đứa bé có sức khỏe, chăm ngoan.

Tại buổi lễ, anh em, bạn bè của gia đình sau khi làm lễ buộc chỉ tay cho đứa trẻ và chúc phúc cho gia đình, anh em, bạn bè của gia đình cũng tặng đứa trẻ những món quà kỷ niệm để cho nhân vật chính của buổi lễ chuẩn bị bước vào đời.

Trước đây, đồng bào S’Tiêng thường tặng các thiếu niên và thiếu nữ mừng tuổi 13 này những bộ khung dệt thổ cẩm, những con vật nuôi ( nếu là bé gái) và các bộ cung tên, chà gạc (nếu là bé trai) nhưng hiện nay việc này ngày càng trở nên hiếm. Thay vào đó, khi đến dự lễ, người ta thường tặng tiền để thay thế các lễ vật.

Theo thạc sĩ Điểu Thị Huỳnh Sang- một người công tác trong ngành văn hóa-thể thao và du lịch Bình Phước: “ Cột chỉ tay còn thể hiện sự cam kết giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và thần linh.

Vì vậy, với đồng bào S’Tiêng, trong tất cả các lễ hội có yếu tố tâm linh thì đều có lễ cột chỉ cổ tay. Chính vì vậy, trong đám cưới, lễ cột chỉ tay là nghi thức không thể thiếu. Khi kết hôn, cô dâu và chú rể sẽ cột chỉ vào cổ tay của nhau như một sự cam kết gắn bó, chung thủy đến đầu bạc răng long”.

Đến với lễ cột chỉ tay của đồng bào S’Tiêng Bình Phước trong ngày đầu xuân, chúng tôi được đồng bào tiếp đón cởi mở, thân tình. Ngồi quanh ché rượu cần, được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào S’Tiêng sẽ cảm nhận sắc xuân đang tràn ngập nơi vùng đất xưa với những hương vị văn hóa ngàn năm đang trở mình thức giấc.

Anh Phạm Hữu Hiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Phước nhận xét: “Đồng bào S’Tiêng có nhiều lễ hội và việc duy trì các lễ hội là điều kiện để lưu truyền, bảo tồn các loại hình di sản văn hóa khác, đó là các nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian, ẩm thực truyền thống…

Lễ hội của đồng bào S’Tiêng cũng là dịp để thể hiện mối quan hệ cộng đồng và là điều kiện để xây dựng, tăng cường khối đoàn kết cộng đồng”./.

Nguyễn Văn Việt- Điểu Thống Nhất (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục