Những ngày qua, nhiều người dân đi qua đoạn đường Hồ Văn Cống vào phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đều bày tỏ thích thú khi thấy hình ảnh hai linh vật rồng đang được dựng ở hai bên thành cầu Bà Sảng.
Điều đặc biệt là hai linh vật rồng này được làm nên từ những chiếc lu hũ bằng sành của làng nghề truyền thống ở Tương Bình Hiệp.
Theo ghi nhận ngày 25/1, các nghệ nhân đang khẩn trương triển khai những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hai con rồng nằm trên cầu Bà Sảng đầu đường Hồ Văn Cống dẫn vào phường Tương Bình Hiệp - địa phương vốn nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 300 năm tuổi.
Với đặc trưng là làng nghề lò lu, qua ý tưởng tạo dấu ấn chào đón Năm mới Xuân Giáp Thìn 2024 và để quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương, các nghệ nhân cùng với Ủy ban Nhân dân phường Tương Bình Hiệp quyết định làm linh vật rồng từ chất liệu vốn có tại địa phương.
Hai linh vật rồng đang vào giai đoạn hoàn thiện, nhưng mọi người đi ngang qua, ai cũng trầm trồ, thích thú trước vẻ độc đáo của nó.
Ông Bùi Văn Giang, Chủ lò lu Đại Hưng, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương chia sẻ: “Hai con rồng này được làm bằng chất liệu lu truyền thống Tương Bình Hiệp. Lò lu này có niên đại cách đây 180 năm, sau này mình có ý tưởng với Ủy ban và với nghệ nhân muốn tạo ra cặp rồng bằng chất liệu bằng lu của lịch sử, lu xưa. Mình làm cặp rồng kỷ niệm 10 năm Tường Bình Hiệp từ xã lên phường.”
Theo nghệ nhân Nguyễn Minh Thuận (Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, hai con rồng này làm bằng phương án kết cấu gắn lại với nhau. Số lượng lu, hũ lên đến mười mấy ngàn cái. Hai con rồng lu được lắp ghép rất nhiều bộ phận từ vảy, râu đến thân rồng. Phần vảy và râu là khâu khó nhất bởi lắp ghép hàng chục ngàn chi tiết nhỏ và tỉ mẫn từ chất liệu gốm đất nung.
Các nghệ nhân khéo léo nặn đắp bằng đất, sau đó đem nung từ lò truyền thống từ nhiều tháng trước, còn phần thân là những chiếc lu sành được lắp ráp lại hình thành nên thân có chiều dài 27m.
Độ khó của việc tạo nên hai con rồng này là những chiếc lu cùng các phần vảy từ đất nung thủ công phải đồng màu phù hợp với thân rồng. Thời gian từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện kéo dài khoảng 6 tháng.
Bà Trương Thị Kiều Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tương Bình Hiệp, cho biết: “Để đón chào Năm mới 2024, địa phương mong muốn tạo một điểm nhấn độc lạ, thể hiện khí thế vươn lên của phường Tương Bình Hiệp trong thời gian tới. Hai con rồng này địa phương sử dụng chất liệu có sẵn tại địa phương; trong đó có lò lu Đại Hưng có lịch sử 180 năm, được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006. Địa phương mong muốn quảng bá di tích sử cũng như làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp đến với người dân cũng như du khách trong và ngoài nước.”
Hai con rồng dự kiến được khai trương vào dịp kỷ niệm 10 năm Tương Bình Hiệp từ xã lên phường, đồng thời phục vụ du khách và người dân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Sau đó, hai linh vật sẽ đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam./.
Độc, lạ những cây quất, quýt cảnh mang hình con rồng
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài các cây quất cảnh với các dáng, thế truyền thống, nhiều nhà vườn còn dành nhiều công sức để uốn, nắn, tạo thành những cây quất, quýt cảnh có hình con rồng.