Từ nhiều năm nay, người dân khu vực lòng chảo Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) đã truyền nhau thông tin tại bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tồn tại một cây Mạy Noọng to lớn, hiếm gặp.
Theo tâm niệm của đồng bào dân tộc Thái, Mày Noọng là "cây thần" gắn liền với lễ hội Xên bản, Xên mường - một luật tục, nét đẹp trong đời sống tâm linh của bản làng. Đặc biệt, thông qua cây thần Mày Noọng, cộng đồng người Thái đã thể hiện được thái độ sống trân trọng, gìn giữ rừng khi cụ thể hóa bằng những luật tục bất biến từ nhiều đời.
Theo ông Tòng Văn Tính, 75 tuổi, bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, từ lâu, dân bản ở đây đã xem cây Mạy Noọng này là cây thần của bản, dùng làm nơi để tổ chức lễ hội Xên bản, Xên mường.
Cứ ba năm một lần, người dân trong bản lại làm lễ cúng tế cây thần. Trước kia, người dân nơi đây ở bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954), ruộng vườn bị phá, họ phải di cư về đây để khai hoang, lập nên bản làng sinh sống. Khi đến đây, cây Mạy Noọng này đã có rồi. Cây thần này cao khoảng 40 mét, gốc nó nhiều người ôm mới xuể, trên cây có vô số tổ ong.
Nhìn từ xa, cây thần Mạy Noọng cao sừng sững, tán sum xuê, vượt trội hơn hẳn so với các cây rừng phía dưới. Tuy nhiên, để tiếp cận được với cây thần này, chúng tôi phải ngược đồi, luồn lách trong vô số cây bụi, dưới những tán rừng thâm u, xanh ngắt của đại ngàn. Điều lạ, cây thần thu hút nhiều loại ong từ khắp các cánh rừng trong lòng chảo Mường Thanh về đây kết vò làm tổ. Trên các cành, nhánh cây có gần 100 tổ ong khổng lồ đang bám cành, nặng trĩu. Khi từng bầy ong rung cánh truyền tín hiệu cho nhau, hàng chục tổ ong như chuyển động dọc cành cây, tạo nên những “làn sóng” rất bắt mắt.
Sau khi ông Tòng Văn Tình thắp hương, thực hiện các nghi thức tâm linh bên chiếc am nhỏ ngay cạnh gốc cây để xin cây thần mở cửa rừng, chúng tôi được phép bước chân vào khu rừng cấm, rừng thiêng của bản và tiếp cận cây Mày Noọng.
Ông Tòng Văn Tính cho biết trong đời sống tâm linh, đồng bào dân tộc Thái ở bản Púng Nghịu đã xem cây này là cây thần từ lâu. Trong lễ hội Xên bản, dân làng dâng lễ vật gồm hai con gà, một con vịt, một con lợn khoảng 40-60kg.
Lễ hội được tổ chức, diễn ra ngay dưới gốc cây Mày Noọng với nhiều nghi thức đậm nét văn hóa bản địa, mang yếu tố cố kết cộng đồng và có sự tham gia của nhiều người là dân tộc Thái ở khu vực lòng chảo.
Cũng duy nhất dịp này, người dân mới được phép sinh hoạt trong khu rừng cấm, rừng thiêng của bản và tiếp cận được cây thần Mày Noọng. Ngày bình thường, người dân ở đây bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng này, không cho ai vào đây lấy củi, chặt cây. Vì vậy, khu rừng này mới phát triển xanh tươi.
Theo ông Tòng Văn Tính, số lượng tổ ong trên cây này không thể đếm chính xác được, vì chưa ai leo lên cây bao giờ, còn đứng dưới đất nhìn lên để đếm sẽ hoa mắt, chóng mặt. Cũng không ai có ý định leo lên cây, vì sợ ong tấn công người dân và gia súc, gia cầm trong bản.
Chỉ tay lên những dấu vết to bằng bàn tay chi chít, hằn in xung quanh gốc cây thần Mạy Noọng, ông Tính cho biết: “Dấu vết này có từ lâu rồi, hàng chục năm qua rồi. Đây là vết dấu của dao, rìu mà người Mông đã “vạc” vào cây để lấy mủ về pha trộn làm thuốc tẩm ướp mũi tên khi săn thú trong rừng bằng nỏ.”
Càng đi sâu vào rừng, chúng tôi mới hiểu được những nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của đồng bào Thái qua lễ hội Xên bản đang ẩn chứa nơi đây thông qua những vết tích, tín hiệu lạ. Án ngữ lối mòn nhỏ là cây Ta Leo được đan, kết bằng tre, nứa có hình hoa thị, ba cánh, đậu trên một cọc tre thẳng cao chưa vượt tầm người. Trên một cành của cây Ta Leo có găm một chùm lông gà óng mượt.
Ông Tòng Văn Tính cho hay cây Ta Leo được người Thái dựng lên để xin rừng thiêng và cây thần phù hộ dân bản, cho nguồn nước mát lành. Khi thực hiện lễ hội Xên bản xong, cây Ta Leo sẽ được cắm để ngăn cấm, không cho ai vào trong khu rừng này để vệ rừng thiêng và cây Mày Noọng.
Dưới chân cây Ta Leo là đôi rọ và bộ quang gánh nhỏ mà theo ông Tính nói: “Trong lễ hội Xên bản, bà con dùng để cầu may, thu hoạch mùa màng được nhiều thóc lúa, nhiều nước ngọt, mát lành để tưới ruộng, sinh hoạt." Đôi rọ này nó có trấu, cát, nước và muối. Ta Leo còn có ý nghĩa trụ cột, phù hộ cho người dân trong bản được mạnh khỏe, không bệnh tật, không ốm đau.
Phía trước am thờ nhỏ (được xây từ năm 2007) là một khoảng trống khá bằng phẳng được phủ xanh bằng một lớp cây bụi vượt tầm chân bước, là nơi để người dân trong bản dùng để thực hiện các nghi thức trong lễ hội Xên bản. Xung quanh khoảng trống này vẫn còn những dấu tích của một lễ hội Xên bản năm trước: các giàn nứa là nơi sắp đặt các linh vật tế lễ, bếp nấu thức ăn đào sâu vào hốc núi.
Theo ông Tòng Văn Tính, Púng Nghịu là một trong 18 thôn bản của xã biên giới Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hiện có 71 hộ dân là dân tộc Thái, định bản từ sau năm 1954. Qua cây thần Mạy Noọng và lễ hội Xên bản, hàng chục năm qua người dân bản Púng Nghịu đã xem cả khu rừng phía sau bản là khu rừng cấm, rừng thiêng.
Rừng cấm, rừng thiêng là cánh rừng đầu nguồn bảo vệ cho bản mường luôn mát lành với những mó nước tuôn trào, cung cấp cho con người nhiều sản vật quý; là nơi để cúng tế “đông xên” và làm nghĩa địa chôn cất “đông pá heo”… Rừng thiêng đã trở thành yếu tố cốt lõi trong đời sống văn hóa, tâm linh, gắn với chu trình sống của một người trong cộng đồng bào dân tộc Thái như câu mà người Thái vẫn truyền tai nhau: “Tai Pá phăng, nhăng pá liệng” - chết rừng chôn, sống rừng nuôi. Với vai trò, ý nghĩa đó, cây thần Mạy Noọng sẽ tồn tại mãi với đồng bào Thái qua nhiều thế hệ. Rừng thiêng Púng Nghịu sẽ mãi ngát xanh, che bóng cho bản làng dân tộc Thái nơi đây.
Nét độc đáo của cây thần Mạy Noọng và sự độc đáo trong đời sống văn hóa tâm linh đồng bào dân tộc Thái kết tinh trong lễ hội Xên bản, Xên mường. Mô hình gìn giữ, phát triển rừng thông qua cây thần Mạy Noọng và lễ hội Xên bản, Xên mường của đồng bào dân tộc Thái cần được bảo tồn, nhân rộng./.