Doanh thu Viettel tăng mạnh so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020

6 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Viettel đạt doanh thu 120 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 19,85 nghìn tỷ đồng, tương đương 110,2% kế hoạch.
(Ảnh minh họa)

6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn toàn Tập đoàn Viettel đã phải thay đổi phương thức, chiến lược kinh doanh để có thể thích ứng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID – 19.

Dù nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng tuy nhiên trong báo cáo 6 tháng Viettel vẫn hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, trong khi xu hướng thế giới giảm chi tiêu về viễn thông, công nghệ thông tin.

Doanh thu trong nước đạt 120 nghìn tỷ đồng

Những tháng đầu năm nhờ đẩy mạnh các dịch vụ phục vụ khách hàng trong xu thế chuyển đổi số, lấy nhu cầu của khách hàng làm trung tâm, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1 % so với cùng kỳ: lợi nhuận trước thuế đạt 19,85 nghìn tỷ.

Trong đó doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số tăng trưởng 57% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng số đã đem về doanh thu 2,4 nghìn tỷ đổng, tăng trưởng 60%.

Để khách hàng có thể đảm bảo sinh hoạt, chi tiêu trong mùa dịch, Viettel đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán số trên hệ sinh thái ViettelPay: Gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, bảo hiểm số và đầu tư số; xây dựng giải pháp thẻ du lịch, hệ thống bán vé và kiểm soát vé điện tử. Tổng số lượng giao dịch trên ViettelPay trong 6 tháng tăng 186% so với cùng kỳ năm ngoài.

Diễn biến phúc tạp của COVID – 19 cũng khiến Viettel đẩy mạnh tương tác khách hàng trên kênh số thay cho kênh truyền thống; các dịch vụ mới có tỷ lệ tương tác với khách hàng trên 90% trên kênh số.

Nhờ đã áp dụng số hóa vào hoạt động chăm sóc khách hàng, tỷ lệ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ viễn thông đã tăng từ 87,92% (năm 2019) lên 90,02% (năm 2020). Viettel chủ động chuyển tương tác khách hàng lên hệ thống Chatbot My Viettel tới ~25 nghìn lượt/ngày (đạt tỷ lệ 95%).

Bên cạnh đó, Viettel cũng tập trung phát triển đối tác online phục vụ Khách hàng mua sắm tại nhà, tỷ lệ voucher mua sắm trực tuyến phục vụ nhu cầu khách hàng đạt 1.300 voucher, chiếm tới 50% trên ứng dụng Viettel++.

Viettel cũng đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào kinh doanh các dịch vụ Cloud như dịch vụ giám sát và xử lý an toàn thông tin mạng trên nên tảng điện toán đám mây; hệ sinh thái các sản phẩm trên nền tảng Cloud (Cloud server, Cloud PC, Cloud Camera…); Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới AI vào hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, trải nghiệm khách hàng.

Tập đoàn này đã hợp tác cùng các chuyên gia chuyển đổi số để tư vấn cho khách hàng trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng các nhóm chuyên trách về nghiên cứu chuyển đổi số  để tư vấn cho các doanh nghiệp…

[Viettel cần trở thành hạt nhân cho Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng]

Đặc biệt, Viettel tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp số cho Chính phủ, Giáo dục, Y tế đặc biệt các giải pháp trong giai đoạn dịch COVID – 19; Hoàn thành quy hoạch hệ sinh thái sản phẩm Smart City và Chính phủ điện tử…

Thị trường nước ngoài tăng trưởng hai con số

Kết quả kinh doanh tốt tại các thị trường nước ngoài khiến cho dòng tiền về Việt Nam vượt mức kế hoạch, đạt gần 140 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Mặc dù đối mặt với bất ổn chính trị, thiên tai, chính sách nước sở tại và đặc biệt là dịch bệnh, các thị trường Viettel đầu tư vẫn đạt những kết quả ấn tượng.

Tại thị trường Châu Phi, Halotel (thương hiệu Viettel tại Tanzania) đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây với gần 30%; Movitel (thương hiệu Viettel tại Mozambique) tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm qua, tăng trưởng hơn 26%., đạt đỉnh 4,5 triệu thuê bao ngay cả trong mùa mưa...

Tại Châu Á, Mytel (thương hiệu Viettel tại Myanmar) vượt mốc 10 triệu thuê bao sau 2 năm kinh doanh, chiếm gần 30% thị phần, sớm hơn mục tiêu đề ra nửa năm.

Tất cả các thị trường do Viettel đầu tư đều thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số cho Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó Bitel (Peru) liên tiếp thắng thầu các dự án đem lại doanh thu 6 tháng đầu năm gần 10 triệu USD, lợi nhuận hơn 1,5 triệu USD.

Kết quả kinh doanh của Viettel tại các thị trường nước ngoài nằm ngoài các dự báo suy giảm của các chuyên gia trên thế giới. Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), chi tiêu cho công nghệ thông tin trên toàn thế giới dự kiến giảm 5,1%, chi tiêu viễn thông sẽ giảm gần 1%.

Những tên tuổi lớn nhất của ngành viễn thông nằm trong top 30 của danh sách 150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới 2020 do Brand Finance xếp hạng phần lớn đều chịu thiệt hại do tác động từ COVID-19, dẫn tới không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh viễn thông nước ngoài đã giúp Viettel đảm bảo tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra trong 6 tháng đầu năm 2020.

Vào đầu tháng 8/2020 vừa qua, Viettel đc Asia’s Most Prestigious Leadership & Sustainability Award – ACES công bố là doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất châu Á dựa trên sức tăng trưởng, nhân lực, mức độ sáng tạo, tầm ảnh hưởng của thương hiệu tại Châu Á và mức độ cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục