Doanh thu của Viettel đạt 110.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019

Ở dịch vụ chuyển mạng giữ số, tính đến cuối tháng Sáu, Viettel là nhà mạng có số lượng khách hàng yêu cầu chuyển đến lớn nhất, với tỷ lệ 53% tổng nhu cầu toàn thị trường.
Doanh thu của Viettel đạt 110.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Viettel)

Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố số liệu kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trong bối cảnh thị trường viễn thông cạnh tranh gay gắt và bước vào giai đoạn bão hòa.

Theo đó, doanh thu hợp nhất của toàn Tập đoàn Viettel đạt 110.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận hợp nhất đạt 21.300 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ và vượt 24,7% so với kế hoạch.

Mặc dù thị trường viễn thông trong nước cạnh tranh gay gắt và đã ở giai đoạn bão hòa, doanh thu của viễn thông tại thị trường nội địa vẫn tăng 2,9% so với cùng kỳ và đạt 70.000 tỷ đồng.

Đặc biệt nguồn thu từ data với sự phát triển của 4G đã đã tăng trưởng  17,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ở dịch vụ chuyển mạng giữ số, tính đến cuối tháng Sáu, Viettel là nhà mạng có số lượng khách hàng yêu cầu chuyển đến lớn nhất, với tỷ lệ 53% tổng nhu cầu toàn thị trường.

Tổng doanh thu từ các thị trường quốc tế của Viettel (gồm Viettel Global và thị trường Peru) đạt 810 triệu USD (tương đương gần 19.000 tỷ đồng), tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận của khối viễn thông nước ngoài (bao gồm Viettel Global và thị trường Peru) đạt tới gần 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng), hoàn thành 452% kế hoạch năm.

Đặc biệt, Myanmar là thị trường quốc tế mới đi vào hoạt động của Viettel nhưng đã đạt được các kết quả đáng kể. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Mytel (tên thương hiệu của Viettel tại Myanmar) đã trở thành nhà mạng lớn thứ 3 ở Myanmar.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Viettel đã ra mắt 3 đơn vị thành viên mới đều tập trung vào lĩnh vực công nghệ số bao gồm: Công ty An ninh mạng Viettel, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel và Tổng công ty Dịch vụ số Viettel.

[Viettel phải đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư]

Trước đó, Tổng công ty Giải pháp Viettel đã được thành lập nhằm cung cấp các giải pháp số hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Như vậy, tính đến tháng Sáu, Viettel đã cơ bản hoàn thiện mô hình tổ chức của một nhà cung cấp dịch vụ số với các đơn vị chuyên trách ở các lĩnh vực: kiến trúc hạ tầng số, an ninh không gian số, nội dung số, thanh toán số, giải pháp số và thương mại số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục