Ngày 30/6, tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã diễn ra Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Doanh thu toàn ngành ICT giảm mạnh
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.405 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,66% so với kế hoạch năm 2023.
Đóng góp của ngành vào GDP ước đạt 389.792 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41,24% so với kế hoạch năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2023 ước khoảng 1.512.144 lao động, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 27.477 tỷ đồng, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 43,78% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 2.970 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50,34% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng bưu gửi trong 6 tháng ước đạt 1.098 triệu bưu gửi, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,74% kế hoạch năm 2023.
Với lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 18,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39,47% kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực công nghiệp ICT, doanh thu ước đạt 1.445.043 tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023.
Theo thống kê, số doanh nghiệp công nghệ số cả nước đến nay đạt khoảng 72.000 doanh nghiệp, tăng 6,70% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 29,68%, tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,6% kế hoạch năm 2023.
Vì sao doanh thu ngành ICT sụt giảm?
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu trong lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng trong những đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ucraina cùng với ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19.
Điều này tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam sụt giảm.
Tổng doanh thu công nghiệp ICT trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 52,2 tỷ USD (trên 1,22 triệu tỷ đồng), giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu công nghiệp ICT sụt giảm chủ yếu do sự giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin với mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 3 và 4 tương ứng là 22,8% và 22,4%.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng (khoảng 48,7 tỷ USD), giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 43,9 tỷ USD, giảm 7,42% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30,8% giá trị xuất khẩu của cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm, trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, lũy kế giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tính đến ngày 18/6/2023 đạt 1.390.531.489 giao dịch.
Trong lĩnh vực kinh tế số, số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx là 849.291 doanh nghiệp, đạt 106,1% kế hoạch năm 2023.
Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng chương trình SMEdx ước khoảng 135. 329 doanh nghiệp, đạt 112,7% kế hoạch năm 2023.
Cũng trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng và trình lập đề nghị Luật Công nghiệp công nghệ số.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ là xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030./.