Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ gửi báo cáo tới Quốc hội về tình hình hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022.
Tổng hợp số liệu cho thấy đến cuối năm 2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Trong số đó, 478 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 151 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Tổng tài sản doanh nghiệp Nhà nước lên tới 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021, còn vốn chủ sở hữu là 1.807.999 tỷ đồng.
[Phó Thủ tướng: Hoàn thiện mô hình quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp]
Trong khi đó, tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp Nhà nước là 1.712.644 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.
Báo cáo cho biết tổng doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước đạt 2.752.607 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Số lãi phát sinh trước thuế đạt 247.905 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021.
Khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 224.495 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế.
Báo cáo cũng cho thấy tổng nợ phải trả là 2.050.044 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021; trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 55% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước. Tổng giá trị các khoản phải thu là 576.481 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.
Liên quan đến tình hình đầu tư ngoài nước, báo cáo của Chính phủ nêu rõ đến hết 2022, có 30 doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2.
Cũng trong năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện là 61,55 triệu USD tại 14 dự án, chủ yếu tại các dự án của các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); các dự án của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và các lĩnh vực khác. Trong số đó, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su với 3 tập đoàn có số đầu tư lớn là các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, chiếm 96,41% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.
Kết quả cho thấy năm 2022, có 94 dự án phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 9.688,55 triệu USD, tăng 24,43% so với năm 2021. Trong đó, có 67 dự án mang lại lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 569,55 triệu USD (giảm 240,65 triệu USD, tương ứng 29,70% so với năm 2021). Ngược lại, có 29 dự án bị lỗ với tổng số lỗ 263,40 triệu USD (số lỗ giảm 72,12 triệu USD so với năm 2021).
Như vậy, đến 31/12/2022, tổng cộng có 43 dự án có lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 1.441,06 triệu USD, tăng 105,96 triệu USD, tương đương 7,94% so với năm 2021.
Báo cáo nhận định về cơ bản các doanh nghiệp Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng vẫn còn một số khó khăn hạn chế như hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng; một số dự án đầu tư chậm tiến độ triển khai.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư ra nước ngoài có lũy kế tiếp tục tăng, những dự án gặp khó khăn, vướng mắc tồn tại tiềm ẩn rủi ro, chưa phát sinh thu hồi vốn đầu tư hoặc có phương án tái cấu trúc trong năm 2022…
Theo báo cáo, nguyên nhân của các tồn tại trên là do tư duy nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp Nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực của Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn, còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.
Thời gian tới cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp Nhà nước tham gia vào phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra thị trường khu vực, thế giới; quản lý các tài sản là kết cấu hạ tầng quốc gia của Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý.
Đặc biệt, với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả cần rà soát đánh giá làm rõ thực trạng của từng dự án và có phương án xử lý kịp thời; giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội, tạo cơ chế để doamh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường.
Để nâng cao hiệu quả, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, theo báo cáo phải đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các công ty con, công ty liên kết có biệp pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính cần được giải quyết dứt điểm, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, hàng hóa dịch vụ, uy tín và thương hiện trên thị trường./.