Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 10/10, doanh số bán hàng tháng 9 của toàn thị trường ôtô đạt 21.216 xe các loại, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 4% so với tháng 8.
Trong tổng số xe tiêu thụ, có 11.637 xe du lịch, giảm 7%; doanh số xe thương mại không đổi với 8.700 xe và 879 xe chuyên dụng, tăng 4% so với tháng trước. Đáng chú ý, doanh số tiêu thụ xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 14.739 xe, giảm 5% và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.477 xe, giảm 2% so với tháng trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 198.253 xe, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe du lịch và xe thương mại đều giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 18%. Cùng với đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28%, trong khi đó xe nhập khẩu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Doanh nghiệp ôtô ra sức kích cầu, doanh số bán hàng vẫn giảm]
Doanh số bán hàng của thị trường ôtô trong tháng 9 giảm không phải là tháng duy nhất bởi trước đó tháng 8 cũng giảm 6%, tháng 7 giảm 27% và tháng 6 giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải cho doanh số của thị trường ôtô biến động, giới chuyên doanh cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà sức tiêu thụ ôtô toàn thị trường giảm liên tiếp thời gian qua. Cụ thể, cùng với mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong khu vực giảm từ 40% năm 2016 xuống 30% từ đầu năm 2017, các doanh nghiệp buộc phải đua nhau giảm giá, ít thì vài chục triệu đồng và có thời điểm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chính việc giảm giá liên tục của các doanh nghiệp khiến người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi giá giảm hơn nữa mới quyết định mua xe.
Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng cố gắng chờ đợi mua xe với giá rẻ vì từ đầu năm 2018 thuế nhập khẩu sẽ giảm 0%, thay vì 30% như hiện nay.
Giới chuyên doanh cho rằng, theo lộ trình đến năm 2018, thuế nhập khẩu các dòng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi từ các nước khu vực ASEAN về Việt Nam còn 0%, nhưng không phải mẫu xe nào cũng được hưởng mức ưu đãi này mà phải đạt tỷ lệ nội địa hóa liên khối từ 40% trở lên.
Với các mẫu xe lắp ráp trong nước, các linh kiện doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN về Việt Nam cũng phải đáp ứng đủ điều kiện mới được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%.
Với những linh kiện, phụ tùng ôtô sản xuất được ở trong nước, Bộ Tài chính vừa có đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những linh kiện, phụ tùng này và khi đó cả xe nhập khẩu nguyên chiếc lẫn xe lắp ráp trong nước đều có cơ hội như nhau trong cuộc đua cạnh tranh về giá để giành giật thị trường./.