Doanh số bán lẻ trong tháng 9 của Mỹ tăng 1,1%

Doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ tăng 1,1% - tốc độ tăng nhanh nhất trong 7 tháng qua, một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nước này.
Số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ đã cho thấy một dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới là doanh số bán lẻ trong tháng Chín tăng 1,1% - tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng bảy tháng qua, khi người tiêu dùng gạt bỏ được những lo ngại về sự lao dốc của thị trường chứng khoán cũng như sự bế tắc về chính trị trong vấn đề nợ công.

Chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 2/3 vào GDP của Mỹ nên doanh số bán lẻ tăng mạnh đã tạo thêm động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế nước này.

Theo nhận định của các nhà kinh tế, GDP của Mỹ có thể tăng trưởng 2,7% trong quý 3 năm nay, sau khi chỉ đạt mức tăng trung bình chưa tới 1% trong nửa đầu năm.

Mặc dù vậy, rủi ro suy thoái đối với kinh tế Mỹ vẫn còn, khi châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2011 (kết thúc ngày 30/9/2011) ở mức 1.300 tỷ USD - mức cao thứ hai trong lịch sử, so với mức kỷ lục 1.410 tỷ USD tài khóa 2009 và 1.290 tỷ USD tài khóa 2010.

Nguồn thu ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2011 tăng 6,5%, lên 2.300 tỷ USD, trong khi chi tiêu tăng 4,2%, lên 3.600 tỷ USD.

Trong tài khóa trước, Mỹ đã phải thanh toán lãi suất ròng 227 tỷ USD cho các khoản nợ. Thêm vào đó, chính phủ nước này cũng mất nguồn thu do việc giảm 2 điểm phần trăm thuế an sinh xã hội, trong khi phải chịu thêm chi phí cho việc kéo dài trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, với 1,3 triệu việc làm mới được tạo ra trong tài khóa 2011, so với chỉ 339.000 việc làm trong tài khóa 2010, nguồn thu từ thuế thu nhập cũng đã được cải thiện.

Một thập kỷ trước, Mỹ luôn thặng dư ngân sách và mức thâm hụt 1.000 tỷ USD là khó có thể tưởng tượng.

Ủy ban lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ đang làm việc nhằm tìm kiếm các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách ít nhất 1.200 tỷ USD trong thập kỷ tới./.

Lê Minh (TTXVN//Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục