Doanh nhân Nhật Bản với ước mơ "điên rồ" về ốc sên

Toshihide Takase, 76 tuổi, cho biết ông là "người duy nhất trên thế giới" nuôi loại ốc đặc sản này sau bốn thập kỷ thử nghiệm để tìm ra điều kiện sống thích hợp nhất cho chúng.

Ốc sên Burgundy tại trang trại của Phòng thí nghiệm phát triển ốc sên Mie ở Matsusaka, tỉnh Mie. (Nguồn: Japan Times)
Ốc sên Burgundy tại trang trại của Phòng thí nghiệm phát triển ốc sên Mie ở Matsusaka, tỉnh Mie. (Nguồn: Japan Times)

Được trộn với bơ, tỏi và mùi tây rồi nướng, ốc sên Burgundy - hay còn gọi là ốc sên Bourgogne - đã trở thành một nét đặc sắc của nền ẩm thực Pháp kể từ thế kỷ 19.

Nhưng loài ốc này vốn nổi tiếng là khó nuôi, bởi chúng không thể thích nghi tốt trong một quần thể quá đông đúc, và phát triển khá chậm, thường mất 2 đến 3 năm để đạt kích thước khi trưởng thành.

Loài nhuyễn thể này, có tên khoa học là Helix pomatia, từ năm 1079 đã được chính phủ Pháp bảo vệ để tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên, phần lớn trong số hàng nghìn tấn ốc sên mà quốc gia này tiêu thụ mỗi năm bắt nguồn từ những con ốc sống trong các khu rừng ở Trung và Đông Âu. Chỉ 5% trong số ốc sên được tiêu thụ là được nuôi tại Pháp, nhưng đó là một loài khác, Helix aspersa, dễ nuôi hơn và không có tên "Burgundy."

Tuy nhiên, ở một nơi cách Paris rất xa, một người đàn ông Nhật Bản đã tìm được cách nuôi loại vật đầy nhớt này, một kỳ tích mà ngay cả người Pháp từ lâu đã không làm được.

oc sen nhat ban 3.jpg
Ốc sên tía được phục vụ tại khu vực căngtin của trang trại Takase ở Matsusaka. (Nguồn: Japan Times)

Toshihide Takase, 76 tuổi, cho biết ông là "người duy nhất trên thế giới" nuôi loại ốc đặc sản này sau bốn thập kỷ thử nghiệm để tìm ra điều kiện sống thích hợp nhất cho chúng.

Ngay cả những người trong ngành cũng cho rằng Takase, người đã đầu tư một khoản tiền nhỏ và tự học mọi thứ về loài vật này, là một trường hợp đặc biệt.

Nuôi ốc sên có thể chỉ đơn giản là một sở thích đặc biệt, nhưng tại Nhật Bản, đây lại là một việc khá khác thường. Bởi tại quốc gia này, nơi ốc biển là một phần của nền ẩm thực phong phú, thì ốc sên đất được coi là một loài động vật có thể gây hại cho mùa màng.

"Chị gái tôi đã tặng tôi món ốc sên đóng hộp làm quà sau chuyến đi đến Pháp cách đây 45 năm,” Takase nói, đồng thời cho biết thêm ông thấy chúng “không ngon và có mùi khó chịu.”

Kể từ đó, Takase bị ám ảnh với việc tự nuôi ốc sên, đến mức ban đầu, mọi người đều cho rằng ông thật “ngu ngốc.”

Tuy nhiên, ông vẫn cố chấp đọc hết các tài liệu về chủ đề này và tìm gặp những người nuôi ốc sên H. aspersa của Pháp để học hỏi thêm.

Sau 7 năm tranh cãi về thủ tục hành chính, Takase đã được cấp giấy phép nuôi ốc sên giống H. pomatia và đã nhập khẩu 100 mẫu vật từ Pháp để bắt đầu trang trại chăn nuôi của mình.

oc sen nhat ban 2.jpg
Ông Toshihide Takase tại trang trại ốc sên của mình ở Matsusaka. (Nguồn: Japan Times)

Cơ sở trong nhà ở Matsusaka, một thị trấn ở tỉnh Mie, được gọi là Phòng thí nghiệm phát triển ốc sên Mie. Tại đó, các thùng ốc sên Burgundy còn sống được xếp thành ba lớp trên các giá kim loại được chế tạo riêng, với độ ẩm và nhiệt độ được kiểm soát cẩn thận.

Bên cạnh đó là một xưởng đúc kim loại đang hoạt động - doanh nghiệp đầu tiên do Takase thành lập, người từng quản lý một số dự án.

Ông cho biết trang trại có thể sản xuất tới 600.000 con ốc mỗi năm, với thời gian sinh trưởng được rút ngắn chỉ còn bốn tháng.

Để đạt được điều này, ông đã thêm một loại bột giàu canxi làm từ vỏ hàu vào đất ẩm, giúp ốc phát triển nhanh và khỏe mạnh.

"Chúng thích lắm," Takase, người đã dành 20 năm để phát triển thức ăn bổ dưỡng cho ốc sên từ đậu nành và ngô, cho biết.

Ông cũng cho biết thêm rằng hộp đựng thức ăn của chúng được rửa bằng tay ba ngày một lần, vì "ốc sên thích sự sạch sẽ."

'Với giá nào?'

Du khách đến "phòng thí nghiệm" có cơ hội nếm thử ốc sên của Takase với giá 9.900 yen (60 USD) cho một gói 30 con. Có nhiều mức giá khác nhau cho nhà hàng hoặc bán buôn.

Hiện tại, hoạt động kinh doanh chỉ ở quy mô nhỏ và trong nước, nhưng ông rất muốn truyền lại bí quyết của mình cho những người nuôi ốc sên người Pháp và đã bắt đầu đàm phán với đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản.

William Blanche, đồng chủ tịch Liên đoàn nuôi ốc sên quốc gia Pháp, cho biết loài ốc sên này vốn được cho là “không thể nhân giống."

Và mặc dù rất hứng thú với dự án của Takase, Blanche vẫn đặt câu hỏi về mức độ thành công của dự án.

"Liệu người tiêu dùng của chúng tôi, những người đã quen với các loại ốc sên khác nhau, có hứng thú không - và với mức giá nào?"

Một người giấu tên làm việc trong ngành ốc sên Pháp cũng nêu ra một quan điểm cực kỳ quan trọng.

"Chúng phải có vị ngon," ông nói, bày tỏ nghi ngờ rằng ốc sên Burgundy được nuôi sẽ không thể sánh được với "hương vị rừng nồng nàn" của ốc sên hoang dã.

Nhưng "tôi mơ một ngày nào đó được nhìn thấy ốc sên Bourgogne được sản xuất tại Pháp," ông nói thêm. "Sức lan tỏa của hoạt động quảng cáo sẽ rất lớn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục