Doanh nhân Nga: Việt Nam-Nga cần vượt qua một số rào cản kinh tế

Nhân vật công chúng của nước Nga, ông Oleg Vladimirovich Deripaska, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam.
Doanh nhân Nga: Việt Nam-Nga cần vượt qua một số rào cản kinh tế ảnh 1Ông Oleg Vladimirovich Deripaska, nhà công nghiệp và nhà từ thiện, người sáng lập RUSAL, một trong những doanh nghiệp sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước thềm Năm Mới 2023, phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga đã có cuộc phỏng vấn nhân vật công chúng của nước Nga, ông Oleg Vladimirovich Deripaska, về mối quan hệ giữa hai nước.

Ông Oleg Vladimirovich là nhà công nghiệp và nhà từ thiện, người sáng lập RUSAL, một trong những doanh nghiệp sản xuất nhôm lớn nhất thế giới; GAZ Group, công ty cổ phần chế tạo máy hàng đầu nước Nga; và quỹ Volnoe Delo, một trong những tổ chức từ thiện và xã hội, với các dự án và hoạt động thiện nguyện lớn nhất của nước Nga.

Về quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam cũng như tiềm năng hợp tác giữa hai nước, ông Oleg Deripaska nhận định quan hệ giữa hai nước có một lịch sử phong phú.

Trong suốt hơn 70 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, các liên hệ chặt chẽ đã được duy trì trong nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, khoa học đến kinh doanh.

Ngày nay, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN.

[Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Nga]

Trong 15 năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng ổn định. Và năm 2021, kim ngạch thương mại đạt mức cao kỷ lục, tăng 25,9% so với năm 2020.

Hợp tác kinh tế được triển khai trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng đến công nghiệp và nông nghiệp. Năm 2022 sắp đi qua đặc biệt quan trọng đối với hai nước, khi đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.”

Vị thế này chắc chắn phản ánh tính linh hoạt và tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế. 

Ông Oleg Deripaska tin tưởng rằng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Nga và Việt Nam có tiềm năng đáng kể và cần trở thành một trong những ưu tiên chính trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng hợp tác một cách hiệu quả và đầy đủ, hai nước cần phải vượt qua một số rào cản.

Trước hết là việc hoàn thiện khung pháp lý chung và các cơ chế thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển mạng lưới hậu cần và cơ sở hạ tầng, với việc phát triển các tuyến đường biển mới, cũng như tối ưu hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, nối lại các đường bay thẳng, không chỉ là giữa các thủ đô hai nước.

Doanh nhân Nga: Việt Nam-Nga cần vượt qua một số rào cản kinh tế ảnh 2Gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp Nga tại triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2022 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Đường bay thẳng giữa Việt Nam và các thành phố vùng Viễn Đông của Nga sẽ mở ra cơ hội du lịch và kinh doanh mới cho cả hai bên.

Một rào cản khác đối với việc làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế là thiếu cơ sở hạ tầng tài chính chung, điều đã làm phức tạp đáng kể các giao dịch tài chính giữa các doanh nghiệp Nga và Việt Nam.

Để giảm thiểu thiệt hại cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, hai nước nên xem xét việc tạo ra một nền tảng thanh toán duy nhất, cũng như chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền nội tệ của nhau.

Cả hai bên cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tạo ra một thị trường nợ chung. Nếu tất cả các bước cần thiết này được thực hiện, hai nước sẽ có thể mở rộng đáng kể hợp tác kinh tế và thương mại.

Về những lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác trong bối cảnh hiện nay, ông Oleg Deripaska cho rằng Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các sản phẩm của Nga, đặc biệt là với quy mô, tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, việc các công ty châu Âu rời thị trường Nga đã mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam có thể mang đến cho người tiêu dùng Nga những sản phẩm thay thế chất lượng cho các sản phẩm của phương Tây.

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã khẳng định là một quốc gia có tiềm năng công nghiệp lớn. Các công ty từ khắp nơi trên thế giới và từ ngành công nghiệp nhẹ đến điện tử đang nội địa hóa sản xuất của họ tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận không chỉ cho lực lượng lao động có tay nghề cao mà còn tiếp cận thị trường của các nước ASEAN và các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Oleg Deripaskatin tưởng rằng việc nội địa hóa sản xuất của các công ty Nga tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Hơn nữa, hai nước đã có kinh nghiệm hợp tác thành công và thành lập các liên doanh.

Các doanh nghiệp Nga có thể cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy đặt tại Việt Nam, nơi sẽ sản xuất các linh kiện cần thiết để tiêu thụ tại thị trường Nga, cũng như xuất khẩu sang các thị trường Nam Á.

Ngược lại, Nga cũng cởi mở không kém đối với việc các doanh nghiệp Việt Nam nội địa hóa ở Liên bang Nga. Cụ thể, các điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và kinh doanh nước ngoài đang được tạo ra ở vùng Viễn Đông của Nga.

Năng lượng, vận tải và hậu cần, thông tin liên lạc hàng hải, chế biến kim cương, quản lý rừng, dược phẩm và y tế, du lịch và các lĩnh vực nhân đạo đã được xác định là những lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Nhìn chung, sự phát triển của Viễn Đông hứa hẹn những lợi ích kinh tế cho toàn khu vực. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đòi hỏi khả năng tiếp cận ổn định nguồn nguyên liệu thô.

Vấn đề thân thiện với môi trường của các nguyên liệu thô được cung cấp cũng rất được quan tâm ở Việt Nam, vì Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Nga vẫn là nhà cung cấp tin cậy các nguyên liệu thô thân thiện với môi trường, từ tài nguyên năng lượng và kim loại cho đến nguyên liệu thô cho ngành hóa chất và có thể giúp Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu môi trường.

Trong vài thập kỷ qua, một trong những dự án chính của hợp tác Nga-Việt là xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận-1, dù dự án này đã dừng vào năm 2016.

Mùa Hè này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh rằng điện hạt nhân cần được đưa vào quy hoạch năng lượng của đất nước trong quá trình chuyển đổi xanh. Nếu Việt Nam quay trở lại với kế hoạch phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân quốc gia, Nga có thể góp phần vào kế hoạch này.

Đặc biệt là xét trong “Tuyên bố chung về Tầm nhìn phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam giai đoạn đến năm 2030,” có một điểm mà Nga sẽ được coi là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này.

Trước hết, đó là việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân của Việt Nam, trong tương lai sẽ trở thành trung tâm đào tạo chuyên gia quan trọng của Việt Nam.

Ngoài ra, Nga có những công nghệ tiên tiến độc đáo trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, từ nhà máy điện hạt nhân công suất thấp đến nhà máy nhiệt điện hạt nhân nổi.

Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác phát triển giữa hai nước không chỉ trong các ngành, lĩnh vực nêu trên. Hàng năm, các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Liên bang Nga, kể cả trường đại học chính của nước Nga - Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, lò rèn tinh hoa khoa học và công nghệ, vẫn mở cửa đón sinh viên Việt Nam.

Hai nước cũng có những dự án chung trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hoàn toàn độc đáo đối với thực tiễn thế giới, chẳng hạn như Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nhiệt đới Nga-Việt.

Ông hy vọng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và trao đổi văn hóa giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục