Doanh nhân Hàn Quốc tin tưởng triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam

Ông Kim Sang Yeol, Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Gwangju-Chonnam, Tổng Giám đốc tập đoàn xây dựng Hoban, Chủ tịch Đài truyền hình KBC đã có những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam.
Doanh nhân Hàn Quốc tin tưởng triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam ảnh 1Vận chuyển container tại cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. (Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng, ông Kim Sang Yeol, Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Gwangju-Chonnam, Tổng Giám đốc tập đoàn xây dựng Hoban, Chủ tịch Đài truyền hình KBC đã có những nhận định tích cực về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam.

Theo nhận định của ông Kim Sang Yeol, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội sau khi thực hiện những chính sách cải cách mở cửa suốt hơn 30 năm qua.

Với nhiều chính sách đổi mới được thực hiện trong thời gian này, nền kinh tế Việt Nam đã có được động lực phát triển, giúp quốc gia này thoát khỏi vị thế một nước nghèo trên thế giới.

Ông ghi nhận tăng trưởng GDP bình quân trên 6% mỗi năm đã giúp Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu khu vực ASEAN+3, đồng thời bày tỏ tin tưởng những nỗ lực cải cách mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi sẽ tiếp tục thúc đẩy để kinh tế Việt Nam có những bước phát triển nhanh trong thời gian tới.

Năm 2017 là dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam​-Hàn Quốc, với tư cách là Tổng lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Gwangju-Cheonan, ông Kim Sang Yeol cho rằng việc Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao 25 năm trước đã mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.

[Việt Nam ở vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của APEC]

Theo ông, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và truyền thống, hiện quan hệ hợp tác giữa hai nước đang tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, mối quan hệ song phương gần gũi được duy trì thông qua nhiều hoạt động giao lưu giữa chính phủ và nhân dân hai nước, cũng như các hoạt động hợp tác hỗ trợ lẫn nhau và một trong những điểm nổi bật nhất trong quan hệ song phương hiện nay là phát triển trên lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Ông cho biết đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2017 đã vượt mức 50 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2012 và đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Quy mô giao dịch thương mại hai chiều cũng tăng gấp 2 lần, đạt mức 42 tỷ USD.

Trong 5 năm vừa qua, số du khách của hai nước thăm viếng lẫn nhau cũng tăng gấp đôi và đạt mức kỷ lục 1,75 triệu lượt trong năm 2016. Bên cạnh đó, tại Hàn Quốc hiện có khoảng 150.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc và đây cũng là con số của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông bày tỏ tin tưởng với quyết tâm và nỗ lực chung của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc thời gian tới sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn và đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực.

Ông Kim Sang Yeol đánh giá Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn với nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh thời gian tới trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, thủ tục hành chính, đồng thời đưa ra nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư.

Ông coi đây là những cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh như xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ khí-điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tài chính - ngân hàng, công nghiệp phụ trợ...

Ngoài ra, theo ông, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí thuê nhân công có tính cạnh tranh.

Về vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại APEC 2017, ông Kim Sang Yeol nhận định Việt Nam là nền kinh tế thành viên tích cực và có nhiều sáng kiến cũng như đóng góp quan trọng tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực.

Đặc biệt, tại các hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến được các thành viên ủng hộ và đánh giá cao, như việc thống nhất 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017 gồm​ thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm trên các lĩnh vực lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục