Doanh nhân Hà Nội với Thủ đô - 60 năm xây dựng và phát triển

Các doanh nghiệp và doanh nhân tiếp tục có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, đưa Thủ đô hội nhập quốc tế.
Doanh nhân Hà Nội với Thủ đô - 60 năm xây dựng và phát triển ảnh 1 Giao lưu với nhân chứng lịch sử và doanh nhân tại chương trình. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tối 8/10, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), Báo Lao động Thủ đô, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu “Doanh nhân Hà Nội với Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển”, tri ân những người có công với cách mạng.

Cách đây 60 năm, cũng vào những ngày tháng 10 lịch sử, khi ấy Thủ đô Hà Nội chìm trong bom rơi, đạn nổ. Trong những ngày gian khó ấy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô đã vừa sản xuất, vừa sát cánh cùng lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô chiến đấu và chiến thắng quân thù.

60 năm sau ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, đã có nhiều đổi thay, không ngừng hội nhập, phát triển cùng thế giới. Trong tiến trình ấy tiếp tục có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tham gia giao lưu với tư cách là khách mời, ông Nguyễn Hữu Sơn (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thống Nhất, Phó chủ tịch Hiệp hội ôtô, xe máy, xe đạp Việt Nam) cho rằng trong những năm gần đây, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới đã bước đầu xác định đúng vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân.

Doanh nhân là những người trực tiếp tổ chức, điều hành và quản lý quá trình vận hành của nền kinh tế, tức là quá trình sáng tạo và nâng cao các giá trị vật chất cho xã hội. Chính sứ mạng và vai trò đó khiến doanh nhân có một vị trí đặc biệt. Họ có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực, nguồn tài nguyên và tài sản vật chất của xã hội.

Vì thế, hơn ai hết, họ phải là những người ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.

Trong số các vị khách mời tham gia đêm giao lưu, có ông Trịnh Trọng Thực, Nguyên phó giám đốc kĩ thuật đầu tiên của Nhà máy đèn Bờ Hồ (nay là Tổng Công ty Điện lực Hà Nội) - một trong những người thuộc quân giải phóng trực tham gia tiếp quản lại nhà máy, xí nghiệp từ tay người Pháp vào đúng ngày 10/10/1954.

Trước giải phóng, ông Trịnh Trọng Thực từng là trí thức du học ngành kỹ sư điện ở Pháp, sau khi về nước, ông được giác ngộ cách mạng và đã lên An toàn khu làm việc, sau đó tham gia đào tạo công tác đàm phán, để tiếp quản các cơ sở nhà máy, xí nghiệp của Pháp tại Hà Nội sau khi thực dân Pháp rút đi.

Dù 60 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày tháng đầy khó khăn nhưng vô cùng tự hào đó.

Không chỉ riêng ông Trịnh Trọng Thực mà ở Hà Nội còn hàng nghìn nhân chứng lịch sử luôn nhớ về khoảnh khắc hào hùng ấy, trong đó có ông Phạm Thắng, nguyên là chiến sĩ trung đoàn Thủ đô, nguyên đội viên đội thiếu niên Bát Sắt những năm 1947-1948 đầy gian khó.

Ông là người trực tiếp tiền trạm vào nội thành từ ngày 9/10/1954 để rồi sau đó sáng ngày 10/10/1954 trở ra dẫn Đại đoàn Quân Tiên phong 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ hướng Sơn Tây qua cửa ô Cầu Giấy. 60 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày độc lập của quân và dân Thủ đô vẫn luôn thấm đẫm niềm tự hào trong ông…

Cũng trong đêm giao lưu, Ban Tổ chức đã tặng quà cho 60 gia đình công nhân viên chức lao động của Thủ đô có người thân là anh hùng, liệt sĩ, người có công hoặc có chồng, con đang là chiến sĩ làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa, thể hiện sự tri ân và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục