The Star đưa tin các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Malaysia đang cạn kiệt vốn liếng khi nước này chuẩn bị bước vào giai đoạn 4 thực hiện lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Khá nhiều SME đang trong tình trạng tài chính bị “vắt kiệt” đến mức tối đa và buộc phải giảm thiểu hoạt động khi không còn tiền để lưu thông.
Ngày 28/4 là ngày cuối của giai đoạn thứ 3 mà Malaysia thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO).
[Kinh tế APEC sẽ giảm 2,7% do tác động của dịch COVID-19]
Giai đoạn 4 sẽ bắt đầu từ ngày 29/4 cho đến hết ngày 12/5. Nếu MCO không tiếp tục gia hạn, thì đó cũng là ngày thứ 56 hầu hết các doanh nghiệp tại Malaysia không có hoạt động. Tiền thì vẫn phải chi tiêu hàng ngày (trả lương công nhân theo quy định của chính phủ), trong khi “đầu vào” không có gì.
Trên thực tế, khả năng Malaysia tiếp tục gia hạn MCO một lần nữa là rất cao trong bối cảnh chính phủ nước này quyết tâm ngăn chặn rốt ráo dịch bệnh, trước khi xem xét nới lỏng dần các hạn chế đi lại và mở cửa dần cho các doanh nghiệp tái hoạt động.
Trước viễn cảnh này, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia dự báo, sẽ có từ 200.000-300.000 SME phá sản trong vòng một năm tới.
Kết quả một cuộc điều tra của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia tiến hành gần đây cho thấy, 70% số SME không có đủ tiền để chi tiêu cho đến hết tháng Tư.
Điều này có nghĩa khoảng 2 triệu lao động sẽ mất việc làm bởi chi phí nhân công chiếm phần quan trọng trong chi phí của các doanh nghiệp. Hiện Malaysia có 1,08 triệu SME, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, với tổng số lao động khoảng 9,8 triệu người.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiết kiệm của người lao động (EPF) Malaysia Alizakri Alias cho biết, nếu 1% số SME của nước này phá sản, sẽ có khoảng 60.000 lao động bị mất việc, và điều này sẽ dẫn đến việc GDP của Malaysia mất đi 0,6%.
Trên thực tế, trong gói kích thích kinh tế được công bố hồi tháng trước, Chính phủ Malaysia cũng đã tính đến khoản ngân sách 13,8 tỷ ringgit (khoảng 3,2 tỷ USD) dành cho các SME.
Tuy nhiên, do những quy định không thực sự rõ ràng và một phần do sự hạn chế tiếp cận thông tin từ phía doanh nghiệp, đến nay mới chỉ có khoảng 500.000 SME đăng ký gói cứu trợ.
Số SME được chấp thuận còn ít hơn nữa, mới chỉ 228.797 SME được chấp thuận tính đến nửa đầu tháng Tư.
Một số chuyên gia kinh tế kêu gọi Chính phủ Malaysia quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, đồng thời cho rằng để hỗ trợ các SME và người lao động, chính phủ cần tăng mức hỗ trợ lương hàng tháng cho người lao động tại các SME từ 1.200 ringgit như trong chương trình cứu trợ lên 1.500 ringgit.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, các doanh nghiệp SME có số lao động dưới 50 người là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ đang gặp phải vấn đề về tài chính. Nếu không quan tâm đầy đủ đến đối tượng này, nguy cơ phá sản là hiện hữu và số lao động mất việc sẽ lên đến hàng triệu người./.