Doanh nghiệp vừa, nhỏ Singapore kém lạc quan về viễn cảnh kinh doanh

Chỉ số tâm lý hoạt động kinh doanh của các SME đã giảm xuống còn 46,3 điểm, mức thấp nhất kể từ khi bộ chỉ số này được triển khai vào năm 2009.
Doanh nghiệp vừa, nhỏ Singapore kém lạc quan về viễn cảnh kinh doanh ảnh 1Toàn cảnh khu vực quận tài chính thương mại ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tâm lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Singapore đối với sáu tháng cuối năm 2020 đã xuống mức thấp nhất, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra những bất ổn đối với viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu cũng như các hoạt động kinh tế.

Bộ chỉ số SME SBF-Experian do Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) và công ty dịch vụ thông tin Experian công bố ngày 28/9, cho thấy chỉ số tâm lý hoạt động kinh doanh của các SME đã giảm xuống còn 46,3 điểm, mức thấp nhất kể từ khi bộ chỉ số này được triển khai vào năm 2009.

Theo SBF, kết quả này là sự phản ánh tâm lý của các doanh nghiệp SME trước các bất ổn do dịch COVID-19 và những biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh này, gây ra. Theo đó, yếu tố tâm lý kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực cơ khí kỹ thuật ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất, điều này dường như xuất phát từ tình hình phát sinh các chi phí bổ sung cũng như các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc tái khởi động lại các dự án xây dựng.

Mặc dù vậy, các SME trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống có tâm lý kinh doanh ít tiêu cực hơn, xuất phát từ việc mở cửa trở lại các cửa hàng mua bán trực tiếp và các cơ sở ăn uống thời gian gần đây.

Cũng theo SBF, các SME trong hầu hết các lĩnh vực và ngành nghề đều đang vẫn có tâm lý rất thận trọng, hạ thấp dự báo tăng trưởng và giảm thiểu các kế hoạch mở rộng kinh doanh.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore đã sụt giảm 13,2% trong quý 2/2020 so với cùng kỳ năm 2019, khiến Bộ Thương mại và Công nghiệp của nước này (MTI) phải hạ dự báo về tăng trưởng GDP năm 2020 xuống còn từ -7 đến -5%.

Cùng ngày, chính quyền Singapore cho hay sẽ sớm điều chỉnh lại các kế hoạch và chương trình cho phép tạm hoãn trả nợ của nước này với việc các nhà quản lý của Singapore đang tìm cách kéo dài những chương trình này cho một số người vay nhất định sau thời hạn 31/12/2020, trong khi vẫn đảm bảo những người có khả năng trả nợ sẽ bắt đầu thanh toán các khoản nợ ngay cả trước thời điểm đáo hạn.

Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS - Ngân hàng trung ương) trước đó cho biết một bộ phận chiếm khoảng 12% nền kinh tế Singapore đang ở "tâm chấn" của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.

[Singapore lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của năm 2020]

Các công ty, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực liên quan đến du lịch và các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng dự kiến sẽ phải mất một thời gian để phục hồi.

Trong cuộc họp báo thường niên của MAS, giám đốc điều hành MAS Ravi Menon cho rằng một số ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh nhất định có thể bị “hư hỏng vĩnh viễn” do những tác động của dịch COVID-19, trong đó có sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng và sự thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo dữ liệu từ MAS, tính đến cuối tháng 6/2020, đã có khoảng ba ngân hàng tại Singapore chấp thuận hoãn thanh toán nợ đối với các khoản thế chấp trị giá hơn 15 tỷ SGD (khoảng 10,9 tỷ USD). Tính chung, tổng giá trị của các khoản vay thế chấp được chấp thuận chậm chi trả tại Singapore vào cuối tháng 6/2020 đã chiếm gần 10% tổng số các khoản thế chấp vay nợ.

Trong khi đó tại Malaysia, Bộ trưởng Tài chính nước này Zafrul Aziz ngày 28/9 cho biết trong dự thảo ngân sách năm 2021, chính phủ nước này cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Aziz khẳng định quá trình này sẽ được thực hiện thông qua việc tiếp tục hỗ trợ số hóa và tự động hóa, được xây dựng trên nền tảng các gói kích thích kinh tế gồm gói Prihatin cho các doanh nghiệp trên và gói Sáng kiến Bổ sung Prihatin - KitaPrihatin, và kế hoạch Phục hồi Kinh tế quốc gia (Penjana).

Ngoài ra, chính phủ Malaysia cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy nhanh việc áp dụng kỹ thuật số hóa trong nội dung các hạng mục chi tiêu của Ngân sách 2021 dự kiến sẽ được đưa thảo luận tại Hạ viện vào ngày 6/11 đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục