Doanh nghiệp vừa, nhỏ của Italy ngày càng quan tâm đầu tư tại Việt Nam

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy vẫn duy trì đà phát triển tích cực, trong đó trao đổi thương mại song phương trong chín tháng năm 2021 tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Trong hai ngày 29-30/11, diễn đàn doanh nghiệp “To ASEAN Business Days” đã diễn ra tại thành phố Turin, thủ phủ vùng Piedmont ở miền Bắc Italy.

Diễn đàn do Phòng thương mại Turin (Italy), Đại học Turin, Viện Các vấn đề quốc tế Turin (T.WAI) và ngân hàng Intesa Sanpaolo phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ đánh giá cao nỗ lực của Italy và các nước ASEAN trong phối hợp triển khai quan hệ đối tác phát triển, tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19; khẳng định Italy và ASEAN có nhiều tiềm năng hợp tác cần được quan tâm khai thác.

Về quan hệ Việt Nam-Italy, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vẫn duy trì đà phát triển tích cực, trong đó trao đổi thương mại song phương trong chín tháng năm 2021 tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn như Intesa Sanpaolo và ENI đã có mặt trong nhiều năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy ngày càng quan tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã là thành viên chính thức trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định EVFTA với Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên thúc đẩy những chính sách quan trọng về đổi mới sáng tạo, khuyến khích đầu tư theo hướng bền vững. Bối cảnh đó sẽ mang đến những cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp vùng Piedmont nói riêng và Italy nói chung.

[Tăng cường hợp tác an ninh giữa Italy và các nước ASEAN]

Trong khi đó, Thị trưởng Turin S. Russo khẳng định thành phố thủ phủ này vốn có thế mạnh vượt trội về một số lĩnh vực truyền thống như công nghiệp sản xuất ôtô. Đồng thời, Turin đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo và đã đạt được những chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm chất lượng cao, y sinh học và hàng không vũ trũ.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại Turin Dario Gallina nhấn mạnh bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19, khu vực ASEAN vẫn duy trì vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á và thứ 5 trên toàn cầu.

Về cơ cấu doanh nghiệp, Italy và các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng với đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi của khu vực ASEAN, ông Gallina kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp vùng Piedmont cần khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác, xuất khẩu đến ASEAN thời gian tới.

Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn ''To ASEAN Business Days''. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Những tham luận tại diễn đàn cho thấy trao đổi thương mại giữa các nước ASEAN với Italy đạt khoảng 15,7 tỷ euro, chỉ riêng với vùng Piedmont là khoảng 1,2 tỷ euro trong năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ vùng Piedmont đến ASEAN đạt 513,2 triệu euro (giảm 14,7% so với năm 2019), chủ yếu là máy móc, hóa chất và thực phẩm. Đáng chú ý, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của vùng Piedmont trong ASEAN, với tổng kim ngạch đạt 262,5 triệu euro trong năm 2020.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, tại phiên thảo luận “Cơ hội đầu tư vào thị trường châu Á” diễn ra ngày 30/11 ở tỉnh Cuneo thuộc vùng Piedmont, Tham tán Công sứ thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh đã giới thiệu về tiềm năng phát triển năng động của Việt Nam.

Việt Nam liên tục duy trì mức tăng trưởng cao về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chú trọng đẩy mạnh xuất nhập khẩu và nhanh chóng trở thành nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới. Tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư của Italy còn khiêm tốn với chỉ khoảng 400 triệu USD, đứng thứ 34 trong gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Đức Thanh kêu gọi các nhà lập pháp, doanh nghiệp Italy kiến nghị, thúc đẩy Nghị viện nước này sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU nhằm tạo cơ hội thuận lợi hơn nữa cho đầu tư của Italy vào Việt Nam.

Bên cạnh hai phiên thảo luận chính, các hoạt động xúc tiến và kết nối doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ diễn ra cho đến hết ngày 31/1/2022 theo hình thức trực tuyến, qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp Italy và các nước ASEAN có điều kiện tìm kiếm đối tác và trao đổi khả năng hợp tác, đầu tư tại các thị trường của nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục