Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, Nguyễn Thành Hưng cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài, trong đó có nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thương mại với Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bangkok trước thềm năm mới 2011, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Đến nay có tám công ty và doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư, mở văn phòng đại diện tại Thái Lan để kinh doanh ở đây. Trong đó công ty đầu tư lớn nhất là Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực địa ốc qua hoạt động xây dựng khu nhà cho thuê và bán căn hộ tại Thái Lan.”
Ngoài ra còn có Tập đoàn Thiên Long và Công ty Thương mại và đầu tư Quảng trị đã mở văn phòng đại diện để xuất hàng vào thị trường Thái Lan. Tập đoàn Trung Nguyên cũng đang tìm kiếm các nhà đại diện bán hàng tại đây, và đến thời điểm này có khá nhiều càphê Trung Nguyên xuất hiện trong các siêu thị Thái Lan.
Ông Nguyễn Thành Hưng cho biết thêm, các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng phát triển, nhất là trong mấy năm gần đây cho dù tình hình biến động chính trị ở xứ “chùa Vàng."
Năm 2010 kim ngạch thương mại giữa hai nước nhiều khả năng sẽ tăng 21% lên 7,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng gần 10%. Hoạt động đầu tư của Thái Lan tăng thêm 14 dự án lên trên 230 dự án, đứng trong tốp 10 nước và vùng lãnh thổ rót nhiều tiền nhất vào thị trường Việt Nam. Lượng du khách Thái sang thăm Việt Nam ước tăng khoảng 140% thời gian qua.
Việc hai nước Việt Nam và Thái Lan có khá nhiều tương đồng về văn hóa và hàng hóa, được cho là làm hai bên vừa cạnh tranh với nhau trên thị trường quốc tế nhưng cũng mở ra khả năng phát triển hợp tác.
Hai nước đang phối hợp rất tốt với nhau trong trao đổi, chia sẻ thông tin về xuất khẩu gạo và đang tiếp tục trao đổi trong lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu, quản lý thị trường trong nước. Theo số liệu thống kê của Thái Lan, các doanh nghiệp Thái đã đầu tư tổng cộng 5,7 tỷ USD vào trên 210 dự án ở Việt Nam trong thời gian từ năm 1988 đến 2009.
Về triển vọng phát triển quan hệ song phương, Tham tán Nguyễn Thành Hưng nhận định khả năng đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, khi nhiều doanh nghiệp doanh nhân Thái chuyển đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Họ xem Việt Nam là thị trường ổn định về mặt chính trị và có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, với các tập đoàn lớn của Thái Lan đang xúc tiến và mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam như TIPCO, Amata và Siam Cement Group.
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, nhiều mặt hàng trong danh mục xuất nhập khẩu giữa hai nước đã và đang hướng tới mức thuế suất là 0% càng tạo thuận lợi cho hai bên thúc đẩy thương mại hai chiều.
Với vai trò là nhịp cầu nối quan trọng và trên cơ sở của mối quan hệ ngoại giao được thiết lập và phát triển trên 34 năm nay, Thương vụ tại Thái Lan đã phối kết hợp với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán sử dụng một phần kinh phí ngoại giao phục vụ kinh tế để thúc đẩy giao thương.
Ngoài việc cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Cơ hội và thách thức khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam” ở Khon Kaen và tham gia Ngày hội ẩm thực châu Á tại Bangkok, Thương vụ còn trực tiếp giới thiệu về các chính sách thương mại, đầu tư, du lịch và giáo dục của Việt Nam tại địa bàn, trao đổi xây dựng chương trình làm việc cho nhiều đoàn đầu tư-thương mại Thái Lan vào Việt Nam tìm đối tác và cơ hội kinh doanh thời gian qua./.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bangkok trước thềm năm mới 2011, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Đến nay có tám công ty và doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư, mở văn phòng đại diện tại Thái Lan để kinh doanh ở đây. Trong đó công ty đầu tư lớn nhất là Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực địa ốc qua hoạt động xây dựng khu nhà cho thuê và bán căn hộ tại Thái Lan.”
Ngoài ra còn có Tập đoàn Thiên Long và Công ty Thương mại và đầu tư Quảng trị đã mở văn phòng đại diện để xuất hàng vào thị trường Thái Lan. Tập đoàn Trung Nguyên cũng đang tìm kiếm các nhà đại diện bán hàng tại đây, và đến thời điểm này có khá nhiều càphê Trung Nguyên xuất hiện trong các siêu thị Thái Lan.
Ông Nguyễn Thành Hưng cho biết thêm, các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng phát triển, nhất là trong mấy năm gần đây cho dù tình hình biến động chính trị ở xứ “chùa Vàng."
Năm 2010 kim ngạch thương mại giữa hai nước nhiều khả năng sẽ tăng 21% lên 7,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng gần 10%. Hoạt động đầu tư của Thái Lan tăng thêm 14 dự án lên trên 230 dự án, đứng trong tốp 10 nước và vùng lãnh thổ rót nhiều tiền nhất vào thị trường Việt Nam. Lượng du khách Thái sang thăm Việt Nam ước tăng khoảng 140% thời gian qua.
Việc hai nước Việt Nam và Thái Lan có khá nhiều tương đồng về văn hóa và hàng hóa, được cho là làm hai bên vừa cạnh tranh với nhau trên thị trường quốc tế nhưng cũng mở ra khả năng phát triển hợp tác.
Hai nước đang phối hợp rất tốt với nhau trong trao đổi, chia sẻ thông tin về xuất khẩu gạo và đang tiếp tục trao đổi trong lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu, quản lý thị trường trong nước. Theo số liệu thống kê của Thái Lan, các doanh nghiệp Thái đã đầu tư tổng cộng 5,7 tỷ USD vào trên 210 dự án ở Việt Nam trong thời gian từ năm 1988 đến 2009.
Về triển vọng phát triển quan hệ song phương, Tham tán Nguyễn Thành Hưng nhận định khả năng đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, khi nhiều doanh nghiệp doanh nhân Thái chuyển đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Họ xem Việt Nam là thị trường ổn định về mặt chính trị và có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, với các tập đoàn lớn của Thái Lan đang xúc tiến và mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam như TIPCO, Amata và Siam Cement Group.
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, nhiều mặt hàng trong danh mục xuất nhập khẩu giữa hai nước đã và đang hướng tới mức thuế suất là 0% càng tạo thuận lợi cho hai bên thúc đẩy thương mại hai chiều.
Với vai trò là nhịp cầu nối quan trọng và trên cơ sở của mối quan hệ ngoại giao được thiết lập và phát triển trên 34 năm nay, Thương vụ tại Thái Lan đã phối kết hợp với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán sử dụng một phần kinh phí ngoại giao phục vụ kinh tế để thúc đẩy giao thương.
Ngoài việc cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Cơ hội và thách thức khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam” ở Khon Kaen và tham gia Ngày hội ẩm thực châu Á tại Bangkok, Thương vụ còn trực tiếp giới thiệu về các chính sách thương mại, đầu tư, du lịch và giáo dục của Việt Nam tại địa bàn, trao đổi xây dựng chương trình làm việc cho nhiều đoàn đầu tư-thương mại Thái Lan vào Việt Nam tìm đối tác và cơ hội kinh doanh thời gian qua./.
T.N. Tiến/Bangkok (Vietnam+)