Doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi năng lượng

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm, hợp tác với doanh nghiệp Na Uy ở các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydro sạch; thu hồi, lưu trữ carbon, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Sự tham gia và hợp tác của khu vực tư nhân có ý nghĩa quan trọng trong triển khai Quy hoạch điện VIII; đồng thời, khu vực tư nhân cũng sẽ thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo của Việt Nam.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong Tọa đàm “Chuyển đổi năng lượng: Hợp tác doanh nghiệp Na Uy-Việt Nam” do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam phối hợp Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương Việt Nam, cùng một số đơn vị tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/9.

Theo các chuyên gia, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt gần đây là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó có doanh nghiệp năng lượng Na Uy giới thiệu kinh nghiệm chuyên môn và lợi thế cạnh tranh, nhất là công nghệ.

Cụ thể, doanh nghiệp năng lượng Na Uy có thế mạnh ở đa dạng lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydro sạch; thu hồi, lưu trữ carbon, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)...

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Na Uy đang đi đầu với những sáng kiến cải tiến công nghệ mới để khử carbon trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng.

Thống kê tại Việt Nam, bên cạnh một số doanh nghiệp Na Uy đã hoạt động nhiều năm như Equinor, Mainstream, VARD và Scatec... không ít doanh nghiệp khác đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nội địa thông qua những dự án tương lai.

Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Mette Møglestue cho biết tuy lịch sử và tình hình kinh tế xã hội hiện tại của hai nước có những khác biệt nhất định, nhưng Na Uy và Việt Nam đều có chung quyết tâm trở thành quốc gia phát thải thấp vào năm 2050.

Chuyển đổi năng lượng là quá trình tất yếu và không chỉ từng quốc gia mà toàn cầu đều phải nỗ lực thực hiện mục tiêu này.

Từ năm 2020, Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên đệ trình mục tiêu giảm phát thải tăng cường theo Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, Na Uy đã nâng mức tham vọng của mình cao hơn nữa bằng việc đặt mục tiêu mới là giảm ít nhất 55% lượng phát thải vào năm 2030.

Pin năng lượng mặt trời được nhiều khu công nghiệp sử dụng, tạo nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Mette Møglestue, xây dựng những ngành công nghiệp mới trên cơ sở những ngành hiện có như điện gió ngoài khơi, hydro, nuôi trồng thủy sản và khoáng sản dưới đáy biển... chắc chắn sẽ mang lại thêm nhiều cách thức mới để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Na Uy và Việt Nam hợp tác, góp phần vào những nỗ lực chung của quốc gia, cũng như toàn cầu.

Trong số đó, khu vực tư nhân đã, đang và sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng của đất nước, với các kế hoạch đổi mới, quy hoạch và đầu tư của mình.

[Quốc tế huy động 15,5 tỷ USD giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng]

Về phía cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại quốc tế nên đồng hành, truyền thêm cảm hứng và khuyến khích khu vực tư nhân trong việc tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Liên quan đến chuyển đổi năng lượng của Việt Nam trong Quy hoạch Năng lượng Quốc gia, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương cho hay, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển năng lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội...

Ngành năng lượng Việt Nam cũng không ngừng phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn đối mặt với thách thức về cung cấp và chuyển đổi năng lượng, trong khi bối cảnh năng lượng thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường.

Trước những thách thức của ngành năng lượng, Quy hoạch điện VIII thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng với mục tiêu cụ thể như tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp từ 15-20% năm 2030 và khoảng 80-85% năm 2050.

Cùng với đó, mức thải khí nhà kính khoảng 399-449 triệu tấn năm 2030 và khoảng 101 triệu tấn vào năm 2050.

"Chuyển đổi thành công sang năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Việt Nam và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Việt Nam và Na Uy thúc đẩy hợp tác chuyển đổi năng lượng, cập nhật giải pháp công nghệ năng lượng sạch có thể áp dụng vào điều kiện của Việt Nam là rất cần thiết trong mục tiêu chuyển đổi năng lượng," bà Ngô Thúy Quỳnh chia sẻ thêm.

Chuyên gia đóng góp giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tại tọa đàm, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy cũng đưa ra thông điệp và cập nhật thông tin ngành năng lượng như giá năng lượng tăng cao và trọng tâm an ninh năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine gây tác động mạnh mẽ trong ngắn hạn, nhưng sẽ không làm chậm quá trình chuyển đổi dài hạn.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu vẫn ở mức kỷ lục, bất chấp các giải pháp cấp tập được đưa ra, với dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng ở mức 2,2°C vào năm 2100.

Ngành điện toàn cầu đang tăng trưởng và xanh hóa ở khắp mọi nơi, dự kiến thị phần năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện sẽ đạt mức 83% vào năm 2050. Còn hydro đạt mức 5% trong cơ cấu năng lượng toàn cầu vào năm 2050 và đây là một phần ba mức cần thiết trong mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Riêng khu vực Đông Nam Á, những quốc gia đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero), gồm Lào, Malaysia, Việt Nam vào năm 2050; Indonesia vào năm 2060; Thái Lan vào năm 2065...

Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần ngưng phần lớn lượng sử dụng dầu, khí đốt và than; đồng thời, thu giữ và loại bỏ carbon là yếu tố cần thiết để đạt được mục tiêu Net Zero./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục