Nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường có xu hướng tăng, cùng đó là giá gạo cũng đang nhích lên, song để tận dụng hết cơ hội, các doanh nghiệp phải nắm chắc thông tin, đảm bảo tốt nguồn hàng để đạt được mục tiêu xuất khẩu cao nhất trong năm 2024.
Đây cũng là nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị giao ban Xúc tiến Thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức sáng 29/2, tại Hà Nội.
Tín hiệu lạc quan
Trong những năm qua, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ông Phùng Văn Thành, Tham tán Việt Nam tại Philippines cho hay dù sản xuất lúa gạo lớn, nhưng sản xuất vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong nước của Philippines, do vậy nước này vẫn duy trì nhập khẩu từ 3-4 triệu tấn gạo, chủ yếu nguồn nhập khẩu là Việt Nam.
Việt Nam nắm giữ nguồn xuất khẩu gạo lớn thứ ba của thế giới
Việc Việt Nam nắm giữ nguồn xuất khẩu gạo thứ 3 của thế giới là cơ hội lớn để ngành lúa gạo chuyển mình, vươn lên nắm giữ vai trò chi phối thị trường thế giới cả về sản lượng và chất lượng.
Ước tính, năm 2022 Philippines nhập từ Việt Nam 3,2 triệu tấn gạo còn năm là 3,1 triệu tấn, dù giảm về lượng nhưng giá gạo của Việt Nam lại tăng lên, có thời điểm trên 560 USD/tấn.
"Với con số này, Việt Nam là đối tác xuất khẩu gạo quan trọng của Philippines nhằm đảm bảo an ninh lượng thực, trong đó thị trường này cũng chiếm tỷ trọng lớn lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam," ông Phùng Văn Thành nhấn mạnh.
Cho rằng nhiều doanh nghiệp đã tạo được lòng tin, uy tín với các bạn hàng của Philippines, trong đó các mặt hàng gạo chất lượng cao đã đạt được nhiều ưu thế, dù vậy ông lưu ý các doanh nghiệp nên tập trung thêm các loại gạo thấp hơn (gạo giá rẻ), qua đó tận dụng được một lượng lớn khách hàng có thu nhập thấp và trung bình ở quốc gia này.
“Dự báo năm 2024 Philippines sẽ nhập từ 3,5-4 triệu tấn gạo, là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, vì vậy các doanh nghiệp cần phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, xây dựng thương hiệu, cũng như đa dạng các mặt hàng qua đó thúc đẩy hơn nữa nhu cầu tiêu dùng,” ông nhấn mạnh.
Với Indonesia, trong tháng 1/2024, Việt Nam đã xuất sang nước này 27.256 tấn, tương đương 18,08 triệu USD, chiếm gần 5% trong tổng lượng và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia thông tin Chính phủ Indonesia mới đây đã quyết định tăng hạn thêm hạn ngạch nhập khẩu nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023. Dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm.
Cho đến nay, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan, tuy vậy trong tổng số 3,6 triệu tấn thì Chính phủ nước này ưu tiên từ nguồn sản xuất trong nước sau đó mới tiến hành nhập khẩu.
Đáng chú ý, những ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị đã xuất hiện.
Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giao sẽ bắt đầu trung tuần tháng 3/2024 và kéo dài trong 01 tháng khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng. Dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn).
“Thương vụ đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này, đồng thời gia tăng chất lượng, không để tồn dư chất bảo vệ thực phẩm, đảm bảo thời gian giao hàng, cũng như tham gia các hội chợ để xúc tiến thương hiệu gạo Việt Nam,” đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nêu ý kiến.
Còn tại thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại tại Trung Quốc lưu ý các doanh nghiệp tăng cường cập nhật thông tin thị trường, nắm bắt thời cơ để xuất khẩu, đồng thời đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, thâm nhập vào các khu vực tiềm năng của nước bạn để mở rộng xuất khẩu cũng như tập trung xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường tỷ dân này.
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 15/2, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn). Trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).
Trước đó, năm 2023 xuất khẩu gạo cũng thu về các con số khá ấn tượng với 8,1 triệu tấn, trị giá 4,68 tỷ USD, lần lượt tăng 14,4% và 35,3% so với năm trước. Năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ghana…
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam dự báo bên cạnh nhu cầu tiêu thụ tăng cao, để đảm bảo an ninh lương thực, một số quốc gia lớn có thể hạn chế xuất khẩu để ổn định thị trường trong nước.
Do vậy, để tận dụng tốt các cơ hội thị trường, đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường các thông tin nhanh cập nhật về số liệu xuất, nhập khẩu của các quốc gia, qua đó giúp doanh nghiệp định hướng và chủ động trong công tác xuất khẩu gạo, đồng thời nghiên cứu đàm phán, ký kết các FTA với đối tác nhằm mở thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng như định hướng nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường.
Về phía địa phương, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Công Thương và cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời về điều hành xuất khẩu gạo, thông qua hệ thống thương vụ giúp địa phương kết nối trực tiếp với đối tác để thúc đẩy xuất khẩu gạo, nhất là các đối tác mới tại các thị trường hiện nay.
Trong khi đó, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An đề xuất Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu cho nông sản. Phối hợp địa phương điều hành xuất khẩu gạo đạt kết quả như năm 2023.
Trước các ý kiến đưa ra, tại hội nghị, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định phía Cục sẽ tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 về xuất khẩu gạo, phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam trên thế giới, nâng cao năng lực chuỗi cung ứng.
"Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội tuyên truyền các doanh nghiệp về các FTA nhằm nắm rõ các quy định, nâng cao năng lực chế biến, sản xuất đáp ứng các yêu cầu thị trường," ông khuyến nghị.
Nhấn mạnh thêm nội dung này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại khẳng định sẽ tổng hợp các ý kiến của địa phương và cơ quan Thương vụ để xây dựng một cơ chế điều hành gạo trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Phú cũng lưu ý các Thương vụ, hằng tháng, khi gửi báo cáo về tình hình thị trường cần có thêm các thông tin nhanh về công tác điều hành mặt hàng gạo của nước sở tại, từ đó giúp Cục Xúc tiến Thương mại nhằm cung cấp kịp thời cho các địa phương trong công tác điều hành./.