Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phòng vệ thương mại

Từ 1994-2013, Việt Nam phải đối mặt với 52 vụ việc điều tra chống bán phá giá, bởi vậy, nắm vững công cụ phòng vệ thương mại để ứng phó là điều cần thiết với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập quốc tế.

Do vậy, việc các doanh nghiệp nắm vững công cụ phòng vệ thương mại để ứng phó với các vụ kiện và sử dụng hiệu quả để bảo vệ sản xuất trong nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, các biện pháp khắc phục thương mại là những công cụ được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng một cách hợp pháp.

Việc xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp này của các nước thành viên phải tuân thủ các hiệp định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của WTO.

Trong số ba biện pháp trên, chống bán phá giá và chống trợ cấp là các công cụ mà các nước sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài (do có hành vi bán dưới giá thông thường hoặc bán hàng hóa có trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu).

Các biện pháp này thường được áp dụng cho 5 năm và có thể gia hạn tiếp nếu kết luận điều tra cho thấy hàng hóa nước ngoài nhập khẩu tiếp tục được bán phá giá hoặc trợ cấp của Chính phủ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và coi đây như các công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước, nắm rõ nguyên tắc áp dụng.

Cụ thể, sử dụng công cụ nào, trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, thủ tục đề nghị điều tra áp dụng ra sao… chứ không phải là một công cụ để các doanh nghiệp lạm dụng, ỷ lại.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phòng vệ thương mại ảnh 1Sản xuất thép tại Nhà máy Cán thép của Công ty Cổ phần Cán thép Thái Trung-Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước cho đến nay chưa thực sự quan tâm đến công cụ hữu ích này để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Thực tế, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ).

Thống kê từ Cục Quản lý Cạnh tranh, tính đến hết tháng 10/2014, con số các vụ kiện đã lên đến 80 vụ, trong đó doanh nghiệp Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá chiếm đến 47 vụ).

Các vụ kiện này có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các ngành sản xuất mặt hàng tương tự tại Việt Nam, nhất là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, basa, tôm và da giày...

Từ năm 1994 đến năm 2013, Việt Nam đã phải đối mặt với 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước khác nhau trên thế giới, trong đó số lượng các vụ việc mà sản phẩm đối tượng là thép là khoảng 15 vụ việc.

Riêng trong 3 năm gần đây (từ 2011 đến 2013), Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép.

Không dừng lại ở đó, các vụ kiện phòng vệ thương mại đã gây ra tác động xấu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ và nắm vững các quy trình, thủ tục điều tra cũng như các thông tin cần có để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời nhằm ứng phó một cách hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại.

Ông Vũ Bá Phú cho biết thêm trong khi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liên tục đối mặt với rào cản phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, thì ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp lại chưa thực sự quan tâm đến công cụ hữu ích này để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Trước làn sóng của hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa, theo các chuyên gia, Việt Nam cần chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục