Doanh nghiệp Việt mất hàng triệu USD từ rủi ro thương mại quốc tế

Các chuyên gia cho rằng rủi ro lớn nhất trong thương mại quốc tế mà Việt Nam thường vướng phải là rủi ro về tín dụng, khó thu hồi nợ hoặc bị lừa đảo.
Doanh nghiệp Việt mất hàng triệu USD từ rủi ro thương mại quốc tế ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: An Sinh/TTXVN)

Doanh nghiệp mất hàng triệu USD từ rủi ro trong thương mại quốc tế là thông tin tại Hội thảo Quản lý rủi ro trong thương mại quốc tế và thu nợ nước ngoài, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/1.

Cách đây khoảng ba tuần, VASEP đã phải gửi văn bản cảnh báo các doanh nghiệp hội viên cảnh giác với tình trạng lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, đã có vài doanh nghiệp thủy sản bị lừa đảo có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng Echopack INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown, có địa chỉ tại 5084 Francois, Cusson Lachine, Quebec, Canada.

Echopack đã cấu kết với Ngân hàng General Equity (New Zealand) để lấy hàng và không thanh toán tiền hàng.

Echopack có ý định lừa đảo vì đã lấy hợp đồng có chữ ký khác với hợp đồng đã ký giữa hai bên để mở thư tín dụng (L/C) và trong L/C đã gài điều khoản chữ ký trong hợp đồng gửi cho General Equity mở L/C phải khớp với chữ ký trong hợp đồng đính kèm trong bộ chứng từ gửi đòi tiền. Khi gửi bộ chứng từ đòi tiền theo các điều khoản L/C, General Equity đã biết bộ chứng từ bất hợp lệ nhưng vẫn cho Echopark lấy bản vận đơn chính để lấy hàng.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, đây không phải trường hợp đầu tiên hay hiếm hoi được VASEP cảnh báo các doanh nghiệp hội viên khi giao dịch xuất khẩu. Trong 5 năm gần đây, các trường hợp nợ xấu, gây hại cho doanh nghiệp trong ngành thủy sản ngày càng tăng, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, tình trạng này có thể sẽ gia tăng nếu doanh nghiệp không chủ động trang bị các kiến thức, kinh nghiệm cần thiết trong giao dịch quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng rủi ro lớn nhất trong thương mại quốc tế mà Việt Nam thường vướng phải là rủi ro về tín dụng. Trước đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất, nhập khẩu các mặt hàng khác như hạt điều, gỗ, nhôm... cũng gặp phải tình trạng khó thu hồi nợ hoặc bị lừa đảo. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không thể nhận diện được các yếu tố rủi ro, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Với kinh nghiệm gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Keith Stillings, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tài chính Assurance Global (Mỹ), cho biết trước áp lực của việc mở rộng thị trường, gia tăng doanh số, các doanh nghiệp xuất khẩu thường tìm đến những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin. Điều này có thể mang đến những rủi ro về tín dụng hoặc bị lừa đảo nếu doanh nghiệp không điều tra thông tin rõ ràng.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam đã mất khoảng 8 tỷ USD từ các công ty nước ngoài do không thu hồi nợ được hoặc bị lừa đảo.

Dẫn chứng một vài trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác nước ngoài xù nợ hoặc lừa đảo, luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam mắc phải là điều khoản hợp đồng không chặt chẽ, nguồn thông tin về thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp khá chủ quan, không điều tra cặn kẽ.

Để hạn chế những trường hợp lừa đảo trong thương mại quốc tế, luật sư Ngô Khắc Lễ cho rằng các doanh nghiệp cần có sự trao đổi trực tiếp với đối tác, hoặc thông qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn,thương vụ/sứ quán để sàng lọc những đối tác có uy tín. Đồng thời, phải chú ý hơn đối với những thương nhân giao dịch lần đầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cảnh giác với yếu tố “giá bất thường” so với cung-cầu thị trường, vì đây là những cái bẫy mà các doanh nghiệp nước ngoài chuyên lừa đảo tạo ra ngày càng nhiều khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Các chuyên gia cũng cho rằng muốn tận dụng được các lợi thế cạnh tranh và thời cơ mà hội nhập mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam phải am hiểu và nắm rõ “luật chơi” trong thương mại quốc tế, phải biết được vị trí doanh nghiệp đang ở đâu trong quá trình hội nhập.

Riêng về tín dụng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có quy trình cụ thể để phòng tránh nợ, phòng gian lận, phải kiểm tra tín dụng, thẩm định công ty, xem xét các điều khoản thanh toán; hợp đồng, hóa đơn phải rõ ràng, xác minh các văn bản giao dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục