“Bảy trong số 30 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam công khai các cam kết tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, chỉ có bốn doanh nghiệp trong nhóm 'ông lớn' công khai cam kết của lãnh đạo ủng hộ phòng, chống tham nhũng.”
Đây là kết quả từ Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam (TRAC Việt Nam 2017), do Tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện.
TRAC Việt Nam 2017 - lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đánh giá công bố thông tin từ 30 doanh nghiệp lớn nhất (theo xếp hạng của VNR500 năm 2015), bao gồm 10 công ty niêm yết, 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 10 doanh nghiệp nhà nước (SOE).
Cụ thể, kết quả công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng cho thấy, tổng điểm trong bình chỉ đạt 10%, trong đó nhóm doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,2%, nhóm công ty niêm yết là 5,1% và nhóm doanh nghiệp nhà nước có mức điểm rất thấp 1,9%.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy, một số doanh nghiệp trong nhóm đã đạt được điểm số rất cao trong việc minh bạch về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp (2/30 doanh nghiệp đạt điểm 100% là Công ty FPT và Công ty Sữa Việt Nam).
Các công bố công khai điển hình về “không khoan dung tham nhũng”
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Sáng lập viên, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch, “kết quả trên cho thấy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch.
Chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi đối mặt với nguy cơ tham nhũng cũng như rủi ro về mặt pháp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của doanh nghiệp.”