Doanh nghiệp Việt đang phung phí đòn bẩy Internet

Theo các chuyên gia, tác động của Internet lên nền kinh tế của Việt Nam là rất rõ. Đó có thể kể đến những kết quả về hạ tầng, dần thay đổi phương thức kinh doanh, tiến bộ của giới trẻ…

Thực tế cũng cho thấy, một số ngành nghề như phát triển dịch vụ, nội dung số, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có một số thành tựu nhất định. Song, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tận dụng tối đa lợi thế này để làm đòn bẩy phát triển.
Tại buổi Tọa đàm về “Tác động Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam” do Câu lạc bộ nhà báo công nghệ thông tin tổ chức ngày 25/4, nhiều ý kiến cho rằng đóng góp của Internet vào kinh tế là rất lớn. Song, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tận dụng tối đa lợi thế này để làm đòn bẩy phát triển.

Nhiều đóng góp cho nền kinh tế…

Ông Shaowei Ying (Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Company) nói, khảo sát của đơn vị này cho thấy, mức đóng góp của Internet vào GDP Việt Nam là 0,9%. Song, cùng với sự nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của Internet, trong tương lai, tỷ lệ này sẽ tăng lên.

Ghi nhận con số trên, song ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, tác động của Internet lên nền kinh tế của Việt Nam là rất rõ. Đó có thể kể đến những kết quả về hạ tầng, dần thay đổi phương thức kinh doanh, tiến bộ của giới trẻ…

Thực tế cũng cho thấy, một số ngành nghề như phát triển dịch vụ, nội dung số, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có một số thành tựu nhất định. Trong một lần trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc PeaceSoft (chủ sở hữu sàn thương mại Chodientu.vn, eBay.vn…) dự đoán đến 2015 tổng sản lượng giao dịch hàng hóa trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 6 tỷ USD, trong đó có 2 tỷ USD giao dịch thanh toán trực tuyến.

Trên các website, việc bán hàng online cũng đã được mở rộng. Thậm chí, các đơn vị còn tung ra các chiêu kích cầu khách hàng theo dạng mua nhóm như 1top.vn, muachung.vn…

Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG thì nhận định trong 10 năm qua, nội dung số tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh, tăng trưởng từ 50-100%/năm. Điều này cũng nhờ vào hạ tầng Internet phát triển. Nhu cầu của người dùng cũng tăng dần từ việc sử dụng Internet để đọc báo, chat  thì đến nay đã là mạng xã hội, video…

Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, đóng góp vô hình của Internet vào nền kinh tế còn lớn hơn nhiều so với giá trị hữu hình. Đó chính là việc nâng cao nhận thức của người dân, giúp giới trẻ phát triển năng lực của mình, tạo nền tảng dân chủ lành mạnh cho sự phát triển kinh tế…

Ở phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, ông Lê Hữu Hiền, Phó Giám đốc Viettel Telecom đưa ra ví dụ cụ thể: Trước đây, người dân không thể cập nhật thông tin thường xuyên, song khi có Internet, họ có thể cập nhật thông tin hàng giờ về giá cả, dịch bệnh. Hoặc, ngư dân nhờ có Internet có thể cập nhật thông tin thời tiết, thị trường…

Thêm vào đó, việc giao dịch thuần túy qua Internet cũng được phát triển với việc đưa chữ ký số vào hoạt động. Rồi cả việc nộp thuế, kê khai hải quan điện tử… cũng chính là những ví dụ điển hình cho đóng góp của Internet vào nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để

Theo ông Vũ Hoàng Liên, “với hơn 30 triệu người dùng Internet, sự phát triển bùng nổ của viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam trong vài năm gần đây cho thấy đây là lĩnh vực đầy triển vọng tạo nên đột phá để đưa nền kinh tế Việt Nam ra thế giới.”

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như mất cân đối trong phổ cập Internet giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, mức độ quan tâm của doanh nghiệp đến việc tận dụng Internet để phát triển còn khá yếu.

Ông Mai Sean Cang (Intel Việt Nam) đưa ra ví dụ, một khách sạn gia đình ở Nha Trang có website, quảng cáo qua Google với mức phí 50USD/tháng. Và, khách sạn này đã bán được dịch vụ cho khách hàng ở Mỹ, Đức.

“Nhưng còn ít doanh nghiệp Việt Nam làm được như vậy. Hiện cả nước có khoảng 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng rất nhiều doanh nghiệp chưa biết đến lợi ích này,” ông Cang nói.

Đồng tình, bà Anna (Giám đốc bộ phận Chính sách khu vực Đông Nam Á của Google) cho biết sức mạnh của Internet trong phát triển kinh tế chính là dành cho các công ty vừa và nhỏ.

Đại diện Google cũng minh chứng bằng việc một cửa hàng hoa nhỏ ở Indonesia xây dựng website và đã bán được nhiều hàng hơn ở trong nước và có cả những đơn hàng ở nước ngoài.

Nói về cái yếu của doanh nghiệp, ông Hà Anh Tuấn (Công ty VinaLink) thì cho hay dù đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp mở website nhưng rất ít doanh nghiệp biết kỹ thuật quảng cáo trực tuyến. Qua việc tổ chức hội thảo về quảng cáo trực tuyến cho các doanh nghiệp, ông Tuấn nhận thấy đa phần các đơn vị ở tỉnh nhỏ không có kiến thức này.

Khảo sát của VinaLink trong năm 2011 cũng chỉ rõ mới chỉ có tối đa 5% doanh nghiệp Việt sử dụng các loại hình truyền thông, marketing để tiếp thị trên mạng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định, tác động của Internet vào khu vực phi kinh tế hiện chiếm ưu thế so với khu vực kinh tế. Tuy nhiên, sau 5 năm nữa, tác động của Internet vào kinh tế sẽ cao hơn phi kinh tế.

Ông Hưng cũng nói, ở góc độ phát triển thương mại điện tử, chính sách vĩ mô rất quan trọng nhưng hiện hơi có sự thắt chặt. Đó chính là việc áp dụng quản lý thông tin chính trị, xã hội, văn hóa vào lĩnh vực kinh tế.

Do đó, cần tách bạch nội dung kinh doanh trên Internet với nội dung thông tin. Không nên thắt chặt quá giao dịch hành chính đối với hoạt động kinh tế trên Internet, mà nên tăng cường quản lý các vấn đề như về bản quyền trên Internet.

Về phía mình, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa về thương mại điện tử đến doanh nghiệp cũng như xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng thì cho hay, quan điểm của Bộ là coi Internet là một xã hội thu nhỏ do đó cách ứng xử cũng như đối với xã hội. Trên môi trường Internet có cả cái tốt lẫn cái xấu và cần phải phát huy cái tốt để phục vụ cộng đồng.

Hiện, các cơ quan quản lý đang dùng nhiều biện pháp về kinh tế, hành chính, hình sự... để ngăn cản tác động xấu của Internet. Song, mục tiêu cuối cùng vẫn là ngăn chặn để phát triển. Hoạt động quản lý cũng như các cơ chế chính sách phải theo kịp sự phát triển chứ không phải đưa ra biện pháp quản lý để hạn chế sự phát triển.

"Bộ Thông tin và Truyền thông khi xây dựng chính sách luôn xác định mục tiêu cuối cùng là phải làm cho Internet ngày càng phát triển, đem lại lợi ích ngày càng lớn cho đất nước và người dân," ông Thắng khẳng định./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục