Doanh nghiệp Việt cần chủ động thích ứng với cơ chế CBAM của EU

Nếu các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon và triển khai ngay từ bây giờ, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường.
Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu đáng kể sang thị trường EU là nhôm, thép, ximăng và phân bón. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ ngày 1/10/2023, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM).

Đây không chỉ là chính sách thương mại hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại, mà còn là cơ chế nhằm hiện thực hóa tham vọng của “lục địa già” trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, bản chất của CBAM là gì và liệu nó có phải là một thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU hay không.

Hướng tới mục tiêu trung hòa carbon

Trước tiên, phải thừa nhận rằng việc áp dụng CBAM cho thấy quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách của EU.

Kể từ những năm 1990, EU đã nỗ lực để liên kết thương mại và khí hậu trong khuôn khổ hệ thống Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng liên tục gặp phải rào cản do sự phản đối của các nền kinh tế đang phát triển.

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã làm thay đổi quan điểm chính trị và các tiêu chuẩn nội khối cao càng làm gia tăng thêm tính chính đáng cho lập luận của EU rằng CBAM ra đời để ngăn chặn tình trạng "rò rỉ carbon" và không áp đặt ưu đãi bảo hộ nào cho ngành công nghiệp châu Âu.

[Sẵn sàng với ‘sân chơi’ CBAM trong cuộc đua Xanh hóa nền kinh tế]

Hơn nữa, dư luận trên khắp EU ủng hộ mạnh mẽ việc đưa ra các điều khoản xã hội và môi trường trong chính sách thương mại, khiến châu Âu phải tích hợp các yếu tố chính về xã hội và môi trường vào chiến lược thương mại EU “cởi mở, bền vững và quyết đoán."

Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, cơ chế CBAM sẽ được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn chuyển tiếp (còn gọi là giai đoạn thí điểm) kéo dài 3 năm: từ ngày 1/10/2023, các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng hàng hóa chịu tác động của CBAM và quá trình này sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2024.

Trong thời gian chuyển tiếp này, nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào.

CBAM ban đầu sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ "rò rỉ carbon" cao nhất, bao gồm: ximăng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydro và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

Cuối giai đoạn này, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm phát thải gián tiếp.

Giai đoạn 2026-2034, CBAM bắt đầu vận hành, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ phải mua chứng chỉ CBAM.

Trước ngày 31/5 hằng năm, nhà nhập khẩu EU phải khai báo về số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu của năm trước.

Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm. EU sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Giai đoạn ba cũng là giai đoạn cuối cùng: từ năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí CBAM.

Cùng với 3 giai đoạn trên, EU phân hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào.

Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

Chuyển đổi để thích ứng

Mặc dù CBAM có thể thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa carbon, nhưng theo bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á, cơ chế này có thể gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu đến thị trường EU, trong đó có Việt Nam.

Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu đáng kể sang thị trường EU là: nhôm, thép, ximăng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này.

 Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon có thể gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu đến thị trường EU, trong đó có Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,36 triệu tấn thép sang châu Âu, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 21% tổng cơ cấu xuất khẩu thép.

Nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu nhiều nhất nói trên.

Kết quả cho thấy xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Nếu các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon và nhanh chóng triển khai ngay từ bây giờ, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường. Đó là chưa kể phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật về Đánh giá Tác động của CBAM, cho biết: “Hiện doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất. Báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên 3 quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, cho thấy chỉ tính 3 mặt hàng gồm thép, ximăng và nhôm mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thuế carbon theo cơ chế CBAM có thể làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm."

Có thể thấy CBAM là một trong những vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay vì EU là thị trường rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam do có sức mua cao và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực.

Theo thống kê, sau 2 năm đầu thực thi EVFTA (8/2020-7/2022), tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.

Cơ chế CBAM của EU một lần nữa cũng cho thấy những quy định, tiêu chí ngày càng chặt chẽ hơn trên phạm vi toàn cầu nhằm gắn chặt hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế với vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như mục tiêu về trung hòa carbon.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang và có định hướng tham gia thị trường quốc tế ở tất cả các ngành cần chủ động thích ứng trước xu hướng mới và nên có sự chuẩn bị cần thiết ngay từ bây giờ trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục