Nửa đầu năm 2021 tiếp tục là thời gian khó khăn của ngành vận tải khi sản lượng vận chuyển đều giảm sâu. Chỉ tính riêng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bắt đầu từ cao điểm hè đến nay đã khiến các ngành hàng không, đường bộ, đường sắt… phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp.
Trước những khó khăn này, nhiều giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành được đưa ra nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức.
Sản lượng, doanh thu giảm sâu
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, với 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè từ ngày 30/4-1/5, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, sản lượng vận chuyển hàng không hàng ngày trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng 20 - 30% so với giai đoạn tháng 3-4/2021. Tính chung, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam trong nửa đầu năm chỉ đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ năm 2020.
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho hay, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VABA Bùi Doãn Nề thông tin doanh thu hàng không giảm sâu trong hai quý đầu năm; trong đó tháng 5 và 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020, khiến các hãng càng suy kiệt.
Lĩnh vực đường bộ cũng ảnh hưởng không kém từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khi nhiều điạ phương phải áp dụng giãn cách xã hội dẫn đến đứt gãy các tuyến vận tải.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên bị gián đoạn, có thời điểm bị dừng hoạt động.
Thậm chí nếu được phép hoạt động thì cũng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch.
Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy sản lượng, doanh thu vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng từ 20-30% so với trước dịch; sản lượng, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt khoảng 70 - 80%.
Tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt hơn 50% so với trước dịch.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải quan ngại hiện có khoảng 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Nếu dịch COVID-19 kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản.
[Tổng công ty Đường sắt xin vay 800 tỷ đồng để tránh bị dừng hoạt động]
Với ngành đường sắt, tình cảnh còn ảm đạm hơn, nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, đường sắt đang lao dốc không phanh. Bởi vốn sống lay lắt hàng chục năm nay, dịch COVID-19 tiếp tục làm cho ngành này không gượng nổi.
Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch-Kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết riêng năm 2020, VNR đã thua lỗ 1.324 tỷ đồng, năm 2021, dự kiến lỗ 940 tỷ đồng nữa. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải chỉ bằng 53% so với năm 2019.
Theo ông Nguyễn Chính Nam, doanh thu vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến hụt một lượng tiền lớn. Dự báo, nếu dịch còn kéo dài sang năm 2022, Tổng công ty sẽ thua lỗ hết vốn điều lệ.
Sống chung với dịch bằng cách nào?
Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều giải pháp hỗ trợ ngành giao thông vận tải đã được đề xuất và triển khai.
Trong lĩnh vực hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine; từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Ngoài ra, VABA cũng đề xuất mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không. Cụ thể VABA đề nghị cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000-6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không.
Việc hỗ trợ thanh khoản căn cứ theo quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng. Cùng với đó, hiệp hội này cũng đề nghị Chính phủ dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng, ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực phục hồi, phát triển.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hải Phòng, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng xem xét giảm mức lãi suất cho doanh nghiệp vận tải, đồng thời, nên tiếp tục giảm thuế VAT cho doanh nghiệp, VAT đầu ra và đầu vào của phương tiện, thuế trước bạ.
Về lĩnh vực đường sắt, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng trước khi bùng phát dịch COVID-19, đường sắt đã rất khó khăn, nay do ảnh hưởng của dịch lại càng lỗ, nếu không có giải pháp hỗ trợ, nguy cơ sắp hết vốn Nhà nước là hiện hữu.
Nếu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của đơn vị này mà còn ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của lĩnh vực giao thông đường sắt và đời sống, việc làm của hàng vạn lao động.
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chủ yếu áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, đối với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cần có giải pháp hỗ trợ chung của Nhà nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng về lâu dài, Tổng công ty Đường sắt cần tái cơ cấu lại bộ máy, quản trị, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhận xét với chủ trương phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ là "phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân," các doanh nghiệp vận tải hàng không cũng như các doanh nghiệp vận tải khác trong nhiều tháng đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng là vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương "giãn cách xã hội," "khoanh vùng dập dịch."
Có thể nói cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có những chính sách hỗ trợ như giảm và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí, lệ phí và các chi phí dịch vụ cảng hàng không… để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại.
Tuy ngành giao thông vận tải đã có một số kịch bản dự kiến để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong những năm tới nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, các kịch bản đưa ra cũng phải thay đổi tùy theo diễn biến kiểm soát dịch COVID-19.
Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn nhưng các ngành, các doanh nghiệp càng phải cầm cự, duy trì "năng lượng" để vươn lên mạnh mẽ khi cơn bão dịch bệnh đi qua./.