Doanh nghiệp vận tải rục rịch mở lại tuyến sau thời gian 'đóng băng'

Các doanh nghiệp vận tải bước đầu mở lại một số tuyến vận tải thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và sẽ có đánh giá, điều chỉnh để thích ứng trong điều kiện bình thường mới.
Trong quá trình thí điểm mở lại vận tải khách, các doanh nghiệp cũng chỉ chạy với tần suất ít để từng bước có đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành kế hoạch thí điểm mở lại vận tải hành khách đối với lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt, các doanh nghiệp vận tải đã rục rịch mở lại một số tuyến sau thời gian dài “đóng băng” vì COVID-19.

Tín hiệu đáng mừng

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Taxi G7 cho biết bắt đầu từ 6 giờ sáng nay (ngày 14/10) một số lái xe đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội đã bắt tay vào phục vụ hành khách, tỷ lệ khách đi xe đạt khoảng 40%.

"Tổng hợp từ báo cáo của lái xe cho thấy nhu cầu của người dân có, tuy nhiên số lượng còn ít," ông Quân nhận định.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh vùng 1, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay Mai Linh và các hãng taxi của Hà Nội đã hoạt động trở lại nhưng chưa thể cho toàn bộ xe làm việc.

Nguyên nhân được ông Hùng chỉ ra là do thời gian giãn cách xã hội khá dài, nhiều lái xe đã về quê. Cùng đó, một số tài xế cũng bỏ việc không thể huy động ngay nên hãng taxi đang cố gắng tuyển thêm nhân sự đảm bảo các điều kiện, yêu cầu để phục vụ hành khách.

[Tuyến tàu khách Hà Nội-Sài Gòn mở lại sau thời gian nghỉ dịch]

Về đường sắt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sau thời gian tạm dừng, ngày 13/10, có 2 tuyến tàu khách Hà Nội-Sài Gòn và Hà Nội-Hải Phòng đi vào hoạt động trở lại là Tàu LP6 chạy từ Hải Phòng-Hà Nội và tàu SE5 Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

“Việc mở lại một tuyến vận tải khách đường sắt là tín hiệu đáng mừng. Đối với hành khách lên tàu từ vùng nguy cơ dịch cao, ngành đường sắt bố trí khách đi tàu nguyên toa đồng thời còn có phòng riêng trên tàu đề đề phòng trong trường hợp khách có biểu hiện ho sốt sẽ cách ly ngay,” ông Minh nói về việc phòng chống dịch.

Với hàng không, chiều 13/10, Bộ Giao thông Vận tải quyết định tăng thêm từ 19 lên thành 21 chuyến bay khứ hồi, nâng tổng số chuyến lên 42 chuyến/ngày (tăng 4 chuyến so với ngày 10/10 mở cửa trở lại). Trong đó, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đã khôi phục nhiều đường bay nội địa với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày.

Mở lại xe khách: Còn nhiều rào cản

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến sáng ngày 14/10 đã có 15 địa phương đồng ý thí điểm chạy lại vận tải khách liên tỉnh. Ngoài ra, còn có 15 Sở Giao thông Vận tải đang chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng - đơn vị khai thác tuyến Hà Nội-Hải Phòng, cả hai thành phố đầu và cuối tuyến chưa đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải địa phương nên chưa thể mở lại vận tải khách liên tỉnh.

“Mặc dù doanh nghiệp đã chuẩn bị khá kỹ về nhân lực và phương tiện để bắt đầu hoạt động nhưng đến thời điểm này vẫn phải án binh bất động và chờ đợi,” ông Hải thở dài.

[Người dân trông chờ mở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh]

Ngoại trừ đường sắt và hàng không, một số doanh nghiệp không mặn mà đưa xe khách hoạt động trở lại vì nhiều lý do như khi hoạt động chỉ được đón khách 2 đầu bến; đón, dừng nghỉ tại các điểm dừng chỉ định, không có đủ lái phụ xe đã tiêm 2 mũi vaccine...

Đánh giá nhu cầu đi lại liên tỉnh trong giai đoạn bình thường mới hiện đang cấp thiết, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng người dân, doanh nghiệp đang rất mong mỏi vận tải khách tuyến cố định được hoạt động trở lại.

Bà Hiền yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải cần chủ động đề xuất với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương, lập phương án để sớm triển khai hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải để từ ngày 13-20/10 tổ chức thí điểm được một số tuyến theo kế hoạch. Trước mắt thí điểm chọn một số tuyến dễ đi từ “vùng xanh” đến “vùng xanh” làm trước, sau đó thí điểm từ “vùng xanh” đến “vùng đỏ,” dựa trên kết quả này sẽ từng bước mở dần vận tải.

“Việc tổ chức vận tải, lựa chọn doanh nghiệp, bến xe do Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố quyết định,” bà Hiền nói.

Phía Tổng cục Đường bộ thừa nhận nhiều tỉnh đang vướng mắc trong việc rà soát lái xe được tiêm đủ liều vaccine. Do vậy, một số tuyến dù đã được khôi phục nhưng chưa thể đưa vào hoạt động.

Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin thêm, hiện nhiều tỉnh, thành phố phản ánh thiếu lực lượng lái xe đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên khó mở lại vận tải khách liên tỉnh. Sau 7 ngày thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời cũng lưu ý Sở Giao thông Vận tải phải khảo sát và lập danh sách tình hình tiêm vaccine cho lái xe của các doanh nghiệp vận tải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục