Doanh nghiệp vận tải nói gì về quy định không lái xe liên tục quá 4 giờ?

Các doanh nghiệp vận tải đều ủng hộ quy định không được lái xe liên tục quá 4 giờ nhưng cũng còn một số băn khoăn về cách tính thời gian bắt đầu làm việc của tài xế.

Doanh nghiệp vận tải nói gì về quy định không lái xe liên tục quá 4 giờ?

Liên quan đến quy định không được lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần, đại diện doanh nghiệp vận tải và chuyên gia cho rằng quy định này là một phần quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe của lái xe cũng như người tham gia giao thông khác.

Chỉ nên áp dụng xe chạy cung đường dài

Theo quy định mới tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ ngày 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

Vốn chuyên chạy xe khách cố định tuyến Hà Nội-Lào Cai, tài xế Phạm Văn Học cho biết hành trình giữa 2 điểm rơi vào khoảng 5-5h30 phút/lượt. Trên cung chặng này, doanh nghiệp vẫn chọn điểm dừng nghỉ ngơi cho cả tài xế và hành khách cả 30 phút để đỡ mệt mỏi với quãng đường dài tới 300km.

“Thời gian nghỉ ngơi 15 phút giúp tài xế đỡ mệt mỏi, tỉnh táo làm việc đồng thời ăn uống nhẹ nhàng nhằm nạp thêm năng lượng để có sức lái tiếp. Ngoài ra, hệ thống máy móc động cơ, phanh xe, lốp, đèn xe,... cần ở trạng thái tốt và hoạt động ổn định sau một quãng đường dài,” anh Học chia sẻ.

Với tuyến xe khách đường dài, theo anh Học, doanh nghiệp vận tải đều bố trí 2 tài xế thay nhau lái để đảm bảo an toàn. Tài xế mệt, căng thẳng ngay lập tức yêu cầu đổi tài nhằm có thời gian nghỉ ngơi thì sau mỗi hành trình đầu óc cũng sẽ thoải mái và tỉnh táo hơn.

Là doanh nghiệp vận tải lớn tại Hải Phòng, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng quy định lái xe liên tục quá 4 tiếng chỉ áp dụng cung đường dài, không xảy ra ùn tắc.

Trong khi hạ tầng giao thông liên tục chịu tác động của ùn tắc, có thời điểm cung đường ngắn nhưng qua nội đô ùn tắc 2-3 tiếng mà chiểu theo quy định này thì tài xế sẽ vi phạm.

ben-xe-hn-15112023-3327.jpg
Các doanh nghiệp vận tải ủng hộ quy định tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đơn cử như tuyến xe khách từ Hải Phòng-Lạng Sơn, nếu chạy bình thường chỉ khoảng 4 tiếng nhưng qua Hà Nội có thời điểm ùn tắc mất cả tiếng thì tài xế phải dừng nghỉ, xong mới tiếp tục đi Lạng Sơn.

“Với quy định này, các doanh nghiệp vận tải chắc chắn phải bố trí 2 tài xế, điều đó sẽ kéo theo chi phí tăng cho đơn vị. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về lái xe, chế tài xử phạt cao nên nhiều người bỏ nghề và công tác tuyển dụng nhân sự của các nhà xe khách lại gặp khó khăn,” ông Hải chia sẻ.

Đưa ra dẫn chứng ở nước ngoài áp dụng tài xế lái xe liên tục không quá 5-6 tiếng, ông Hải đánh giá hạ tầng nước họ tốt nên thời điểm trạm dừng nghỉ không có sai số nhiều. Với nước ta, nhiều khi nhà cách 1km nhưng thậm chí đi cả tiếng chưa bước chân về đến nhà, nếu đi 3km đã bắt đầu tính thời gian làm việc của tài xế thì là bất hợp lý.

Từ khi Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, ông Hải cho biết doanh nghiệp đã rà soát lại lộ trình, để điều tiết nhân sự. Trước kia, mỗi xe một tài xế nhưng giờ 3 tài xế cho 2 xe, từ đó kéo theo chi phí tiền lương nhân công tăng.

Cần đối soát dữ liệu với trường hợp bất khả kháng

Đồng tình ủng hộ quy định không được lái xe liên tục quá 4 giờ, theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, quy định này dựa trên cơ sở khoa học nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.

Cho rằng xe vận hành trên 3km thì bắt đầu tính thời gian làm việc, ông Hùng nhìn nhận điều này chưa hợp lý do một số tuyến đường vào nội đô hiện nay ùn tắc cục bộ, lái xe “chôn chân” trên tuyến đường cả tiếng đồng hồ. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần điều chỉnh thuật toán tính xe di chuyển tốc độ 20km mới bắt đầu tính thời gian làm việc.

“Trước kia, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng không có trung tâm lưu trữ dữ liệu. Hiện nay, ngành Công an đã xây dựng hệ thống và đưa về ngành quản lý nên cần đối soát dữ liệu nhằm đảm bảo với những trường hợp bất khả kháng,” ông Hùng kiến nghị.

Đối với quy định không lái xe quá 48 giờ/tuần, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhìn nhận sẽ khiến cho doanh nghiệp vận tải đường dài gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế các doanh nghiệp, ông Hùng cho hay số tài xế xe tải và xe khách đang thiếu và càng khó hơn nếu cần tuyển các tài xế ôtô giường nằm, xe container. Khi doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí, chắc chắn giá hàng hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

nguyen-cong-hung.jpg
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Hùng, quy định không chạy liên tục quá 4 giờ và không quá 10 giờ/ngày là hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên cho phép tài xế có thêm giờ lái xe trong tuần. Điều này phù hợp với quy định, bởi Luật Lao động cho phép người lao động được làm thêm giờ (300 giờ/năm).

“Các tuyến đường cao tốc cần nhanh chóng được xây dựng, nâng cấp theo quy mô đảm bảo tiêu chuẩn có làn dừng khẩn cấp liên tục, có trạm dừng nghỉ đạt yêu cầu," ông Hùng kiến nghị.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh quy định tài xế không lái xe liên tục quá 4 giờ là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý vì các lái xe thông thường chỉ lái 2-3 tiếng dừng nghỉ ngơi để lấy sức khỏe ổn định để lái tiếp, cũng rất ít người lái một mạch 4 tiếng liên tục.

“Với lái xe là công việc nặng nhọc, căng thẳng thần kinh nên cho phép lái xe 8 tiếng trong ngày là quá nhiều và để đảm bảo sức khỏe lái xe ổn định trong thời gian dài đó là rất cần thiết. Quy định này để đảm bảo an toàn cho hành khách và người tham gia giao thông, đúng với quan điểm sinh mạng con người là cao nhất nên các hoạt động vận tải trước tiên phải vì an toàn,” ông Tạo khẳng định.

Ông Tạo cũng khuyến cáo doanh nghiệp cũng cần tăng cường trách nhiệm giám sát thời gian lái xe để đảm bảo an toàn, nếu để xảy ra tai nạn doanh nghiệp sẽ bị thất thu, lợi nhuận giảm và bị truy cứu trách nhiệm để xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, giám sát giao thông do Bộ Công an quản lý qua hệ thống công nghệ và hoàn toàn có thể trích xuất dữ liệu để xử lý các sai phạm với những tài xế lái quá thời gian quy định./.

Trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp ùn tắc giao thông trong thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không đảm bảo, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết lái xe có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó.

“Khi xem xét các tình huống, cảnh sát giao thông sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt. Tuy nhiên, người lái xe sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi, tránh lạm dụng để cố lái xe," đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Công nhân gắn đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số nút giao. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ùn tắc giao thông căng thẳng, kéo dài nhiều giờ tại TP Hồ Chí Minh

Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực với mức xử phạt cao nên người dân tuân thủ hơn, nhất là hạn chế rẽ phải khi đèn đỏ. Với mật độ xe rất lớn, các tuyến đường khu trung tâm TP Hồ Chí Minh đa phần nút giao lại gần nhau dẫn đến tình trạng dừng chờ kéo dài.